Đón năm học mới, gửi những ước mơ
Vượt lên nhiều khó khăn, giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể trong phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học. Song, vẫn còn rất nhiều gian nan…
Mở rộng loại hình bán trú, nội trú
Một trong những thành công lớn của giáo dục mầm non tại huyện An Lão là triển khai được mô hình bán trú. Trường học được đầu tư khang trang, cơ sở vật chất cơ bản, ưu tiên bố trí giáo viên, song để tổ chức được bán trú cho học sinh (HS) thì cần rất nhiều nỗ lực từ các bên liên quan.
Nhớ lại 3 năm trước, bà Trần Thị Bích Phượng, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo An Dũng, bồi hồi: Mỗi thôn có 1 điểm trường, thực chất là có 1 lớp ghép. Khi triển khai xây dựng hồ chứa nước Đồng Mít, năm 2019, trường dời về làng mới. Đến nay, trường có 102 trẻ. Có bán trú nên rất thuận lợi cho người dân. Vui nhất là chất lượng giáo dục trẻ cũng nâng cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng năm đầu tiên về cơ sở mới giảm chỉ còn 1%, đến giờ không còn tình trạng này nữa.
Không chỉ bán trú, Trường Mầm non huyện An Lão là trường đầu tiên của An Lão nhận trẻ 18 - 24 tháng tuổi. Hiện trường có 313 trẻ/12 nhóm lớp theo từng độ tuổi; trong đó có 74 trẻ dân tộc thiểu số. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Trâm cho hay, việc tổ chức bán trú và nhận trẻ ở độ tuổi nhỏ đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh gửi trẻ. Với trường, việc huy động trẻ ra lớp cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Không chỉ tổ chức bán trú, Trường Mầm non huyện An Lão là trường đầu tiên của An Lão nhận trẻ 18 - 24 tháng tuổi. Ảnh: MAI HOÀNG
Trong 4 trường THCS ở huyện An Lão, có 2 trường phổ thông dân tộc bán trú “nuôi - dạy học” học sinh từ lớp 6 - 9. Năm học mới được 2 tuần, Trường Phổ thông dân tộc bán trú An Lão có khoảng 560 HS của thị trấn An Lão và 4 xã An Vinh, An Dũng, An Hưng, An Trung, còn thiếu khoảng chục em. Ông Hồ Văn Tự, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chúng tôi tiếp tục phối hợp với địa phương, phụ huynh để đưa HS đến trường. Số HS bỏ học đã giảm đáng kể. 192 chỉ tiêu bán trú được trường ưu tiên cho HS ở xa. Năm học này, trường cũng được đầu tư gần 1 tỷ đồng xây mới tường rào cổng ngõ, phòng học Tiếng Anh. Nơi ăn chốn ở, điều kiện phục vụ HS tương đối ổn nên công tác giáo dục cũng tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão cho hay, mô hình trường học bán trú và nội trú ở miền núi đã có từ nhiều năm nay. 8/10 trường mầm non, mẫu giáo của huyện đã làm rất tốt, ngoại trừ 2 trường ở An Toàn và An Nghĩa điều kiện quá khó. Hiệu quả rõ nét nhất là tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng, chất lượng giáo dục cũng được cải thiện, tháo gỡ “nút thắt” cho giáo dục miền núi. Các trường phổ thông bán trú có điều kiện tốt hơn để tổ chức cho HS học chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Không riêng An Lão, những năm gần đây, các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh cũng từng bước triển khai bán trú cho trẻ mầm non. Ông Phạm Minh Chấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh cho biết, năm học này 6/7 trường mẫu giáo của huyện tổ chức bán trú (trừ Canh Liên). Nhờ đó, tỷ lệ bé ngoan chuyên cần đến trường tăng nhiều, đạt 85,3%. Vui nhất là giảm đáng kể tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; trẻ là người dân tộc thiểu số mạnh dạn, hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục…
Nhọc nhằn lớp ghép, điểm trường lẻ
Dạy học theo mô hình điểm trường lẻ, lớp ghép được xem là giải pháp tình thế, khắc phục khó khăn của giáo dục miền núi trước đây. Tuy nhiên, bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, bài toán chất lượng cũng đặt ra không ít thách thức với mô hình này.
Hôm chúng tôi lên xã Canh Liên, huyện Vân Canh, ông Trần Văn Tho, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Canh Liên, cho rằng, việc triển khai dạy và học theo chương trình GDPT mới với các lớp 1, 2, 3 thật sự khó khăn. Trường có 1 điểm chính (5 lớp, từ lớp 1 - 5), và 6 điểm lẻ với 13 lớp nằm rải rác nên việc dạy học khá phức tạp. Điểm trường xa nhất là Canh Tiến có 59 HS tổ chức 1 lớp ghép (lớp 4, 5 - 15 HS) và 3 lớp đơn (lớp 1, 2, 3). Điểm trường Cà Bưng chỉ có 11 HS nên tổ chức 1 lớp ghép 3 trình độ (lớp 2, 3, 4). Các điểm trường còn lại, mỗi điểm có 2 lớp ghép (1 lớp ghép 2 trình độ và 1 lớp ghép 3 trình độ).
“Trường có 1 giáo viên Tin học nên việc bố trí “chạy” giữa các điểm trường không đơn giản. Ngay ở điểm Canh Tiến, giáo viên Tin học phải dạy 1 ngày để đảm bảo số tiết và chương trình học cho HS trong… 1 tháng. Các lớp ghép rất khó bố trí chương trình; đơn cử có những điểm trường phải ghép lớp 3 - 4, nhưng lớp 4 học theo chương trình GDPT 2006 môn Tiếng Anh và Tin học tự chọn, thì ở lớp 3 học chương trình GDPT 2018 nên Tiếng Anh và Tin học bắt buộc. Về lâu dài, trường đề xuất có đề án tổ chức gom điểm trường lẻ và tổ chức nội trú cho HS tại điểm trường chính để việc dạy và học tốt hơn”, ông Tho tâm sự.
Dù là một trong những điểm sáng của An Lão về công tác vận động dồn điểm trường lẻ, lớp ghép, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đinh Thành Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hưng, thừa nhận rất khó để làm. Trường có 185 HS, năm học này đã dồn về 3 điểm trường. Tuy nhiên, có 1 điểm trường ở thôn 3 giáp ranh với xã Ba Trang (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) 5 lớp thì tổ chức 1 lớp 1 (8 HS), 2 lớp ghép (ghép lớp 2 - 3 có 15 HS, ghép lớp 4 - 5 có 18 HS). Dạy học ở lớp ghép, lượng công việc của giáo viên nhân đôi so với bình thường. HS điểm trường lẻ cũng thiệt thòi hơn vì không có nhiều cơ hội tiếp cận các hoạt động giáo dục, nên trường cố gắng để học sinh tiếp cận cơ bản với kiến thức của chương trình. Trường đã đề xuất và được đưa vào kế hoạch đầu tư nhà công vụ giáo viên và 1 phòng học ở điểm trường thôn 3.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão, khẳng định chắc chắn điểm trường lẻ, lớp ghép thì chất lượng dạy học bị ảnh hưởng. Ngành GD&ĐT huyện và các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch để dồn các điểm trường lẻ hoặc xóa điểm trường lẻ về điểm trường chính. Tuy nhiên, do đặc thù riêng về địa hình, nên việc sáp nhập vẫn còn rất khó khăn…
MAI HOÀNG