Nhức nhối vi phạm về đất đai - Kỳ 2: Buông lỏng quản lý, sử dụng đất
Vi phạm về đất đai diễn ra ngày càng phức tạp, trong khi hiệu quả ngăn chặn, xử lý chưa như mong đợi. Một phần nguyên nhân là chính quyền cấp cơ sở thiếu chặt chẽ, buông lỏng công tác quản lý, sử dụng đất.
Bất chấp pháp luật
Theo Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích. Trong đó, nguyên nhân liên quan đến yếu tố con người có vai trò quan trọng.
Thực tế cho thấy, nhận thức về pháp luật của một số người dân còn hạn chế; chưa thực hiện đúng quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Mặt khác, hiện nay giá đất tăng cao đột biến, hoạt động sản xuất, trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, không ít người dân dù biết vi phạm vẫn bất chấp thực hiện hành vi lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích.
Đơn cử, tại khu vực núi Hòn Ách (thuộc xóm 1, thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn), ông Chương (ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) và bà Nghiệp (ở xã Phước Mỹ) mua nhiều diện tích đất rừng thuộc dự án WB3. Sau đó, hai người này tự phân thành nhiều lô đất ở có diện tích 100 - 200 m2, bán cho người khác qua giấy viết tay, với giá hàng trăm triệu đồng/lô.
Còn tại xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ), khoảng giữa tháng 9.2021, nhiều người dân ở thôn Chánh Thuận tự ý “xí phần” gần 14 ha đất rừng sản xuất tại tiểu khu 160b và 166 do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý để trồng keo.
Tại huyện Phù Cát, dù đã được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật khi thực hiện dự án tuyến đường ven biển, nhưng sau khi nhận tiền đền bù, các ông, bà: Võ Văn Bình, Trần Văn Thành, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Thu (cùng ở thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh) tái chiếm đất, xây dựng công trình trái phép trong hành lang giao thông.
Hay trường hợp bà Đào Thị Thu (ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) ngang nhiên chiếm dụng 100 m2 đất giao thông thuộc hành lang đê Đông do UBND xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) quản lý để xây dựng công trình nhà ở.
Bà Đào Thị Thu ngang nhiên chiếm dụng, xây dựng nhà trên đất giao thông thuộc hành lang đê Đông do UBND xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) quản lý. Ảnh: V.L
Đặc biệt, có trường hợp là cán bộ, đảng viên nhưng vẫn bất chấp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Đó là bà Trương Thị Lệ Thâm - đảng viên, vợ của Chánh án TAND huyện Vĩnh Thạnh - lấn chiếm gần 60 m2 đất rừng phòng hộ ở xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) để dựng nhà sàn gỗ, xây hệ thống công trình phụ kiên cố. Dù bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính, nhưng bà Thâm không chấp hành nộp phạt, không tự giác tháo dỡ. Sau khi báo chí lên tiếng, các ngành chức năng vào cuộc, gần đây bà Thâm mới tháo dỡ công trình vi phạm.
Lỏng lẻo trong quản lý
Ngoài việc một số trường hợp biết sai vẫn vi phạm, công tác xây dựng bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai và cập nhật biến động hồ sơ địa chính còn nhiều khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm về đất đai.
Ông Đinh Công Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT), cho biết: Đến nay, mới chỉ có huyện Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, An Lão có bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính số. Các huyện, thị xã, thành phố còn lại chưa được đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu. “Tình trạng hồ sơ địa chính hầu hết lạc hậu, không đồng bộ, nhiều biến động đất đai chưa được cập nhật kịp thời đã gây khó khăn, phức tạp trong việc quản lý; nhất là việc giải quyết tranh chấp và xử lý lấn chiếm đất đai”, ông Nghĩa cho biết thêm.
“Việc mua bán, chuyển nhượng, tách thửa đất thông qua hợp đồng, giấy viết tay giữa đôi bên được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, việc này dễ phát sinh tranh chấp về sau. Nhà nước nên xem xét hạn chế hoặc không cho phép việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua hình thức giấy viết tay; đưa ra các chính sách thuế, phí phù hợp liên quan đến việc sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xem xét, thẩm định hồ sơ xin tách thửa theo đúng quy định”.
Luật sư HỒ VĂN HẢI, Văn phòng Luật sư Hải Luật
Một nguyên nhân nữa khiến tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây là lực lượng cán bộ địa chính cấp xã còn mỏng nhưng hầu như không có lực lượng khác tham gia cùng để tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý lấn chiếm đất đai. Trong khi đó, cán bộ địa chính cấp xã ngoài nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên về quản lý đất đai còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác.
Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, trần tình: “Tình trạng lấn chiếm hành lang đê Đông xây dựng công trình trái phép trên địa bàn xã thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Ban đầu, người dân lấn chiếm để làm hồ nuôi cá; sau đó lén lút bơm cát bồi lấp xây móng và nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng nhà. Trong khi đó, cán bộ chuyên môn của địa phương ít, công việc nhiều nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý”.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, không ít chính quyền cấp xã còn lơ là, buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, dẫn đến sai phạm về lĩnh vực này diễn biến phức tạp, kéo dài. Điều này được minh chứng qua các cuộc thanh tra về quản lý, sử dụng đất mà ngành Thanh tra của tỉnh đã có kết luận trong năm 2020 và 2021.
Ông Nguyễn Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, thừa nhận: “Hiện nay, đang nổi lên tình trạng người dân tại địa phương tự ý bán đất cho người dân ở nơi khác theo phương thức mua bán bằng giấy viết tay, không thông qua xã. Vì vậy, UBND xã không nắm hết. Ngoài ra, việc người dân tự ý đổ đất nâng nền, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp do ở thôn chưa báo cáo kịp thời nên xã không thể quản lý”.
Công trình nhà ở, khu chuồng trại chăn nuôi, hồ cá xây dựng trái phép trên đất sản xuất tại thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn). Ảnh: C.H
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thẳng thắn nhìn nhận: Ở một số địa phương, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo chính quyền trong quản lý, sử dụng đất chưa thật sự sâu sát, thường xuyên; còn buông lỏng và xử lý chưa kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên môn cấp huyện với chính quyền địa phương cấp xã chưa chặt chẽ. Việc tổ chức thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, một số trường hợp vi phạm, khi phát hiện thì không kịp thời lập biên bản; không kiên quyết xử lý, tháo dỡ công trình vi phạm, dẫn đến để sai phạm kéo dài, gây phức tạp, khó xử lý về sau.
“Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai (nhất là trong sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp) và việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực này chưa đồng bộ, kịp thời, dứt điểm. Công tác quản lý và quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp còn nhiều hạn chế, chồng chéo, chưa theo kịp sự thay đổi, phát triển của thực tiễn. Ý thức của một bộ phận cán bộ và người dân trong chấp hành pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, thiếu thống nhất. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý của Nhà nước, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về đất đai”.
Luật sư LÊ HOÀI SƠN, Văn phòng Luật sư Trung Sơn
VĂN LỰC - CHƯƠNG HIẾU
Kỳ cuối: Đồng bộ, kiên quyết, hiệu quả trong quản lý đất đai