Nhà văn Trần Duy Đức: Quê hương & những chân dung mẹ
Viết về quê hương, về xứ sở - nơi mình gắn bó máu thịt, là sự trăn trở và niềm cảm hứng bất tận với nhà văn Trần Duy Đức, một người con của đất An Nhơn. Mới đây, ông tiếp tục ra mắt tác phẩm mới. Cũng gắn chặt với làng quê An Nhơn nhưng lần này, có chút khác so với các sáng tác trước, ông tập trung về những chân dung mẹ bằng tất cả sự chân thành, xúc động của mình.
1. Năm 2017, một lần tình cờ gặp các bạn văn trên An Nhơn, tôi được Trần Duy Đức tặng cuốn sách ông mới xuất bản lúc bấy giờ, tập tản văn, ký Chân dung làng quê An Nhơn xưa. Tôi đọc ngay và thú thật, ngón tay tôi đã dừng lại nhiều lần trên một trang sách nào đó, bởi bắt gặp điều gì đó rất đỗi gần gũi, thân thương. Đọc tản văn, ký của ông, những điều rất đỗi bình dị, chân quê ùa về một cách chân thật, tỉ mỉ. Dễ thấy, hồn cốt nét xưa, cảnh quan, con người, phong tục, phong thổ của An Nhơn một thuở đang nhòa nhạt dần ở đời thực nhưng lại hiện lên rõ mồn một trong trang viết của Trần Duy Đức.
Bìa sách Còn đó nỗi đau của Trần Duy Đức.
Nếu không có vốn sống, vốn văn hóa, độ dày trải nghiệm, không gắn bó máu thịt với quê hương thì khó lòng có những trang viết như thế. Sau này, đọc và tiếp xúc nhiều hơn với Trần Duy Đức, tôi lấy làm thú vị bởi ông tập trung hướng về An Nhơn. Lý giải điều này, ông trải lòng: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê Hòa Phong, Nhơn Mỹ, cái nôi cách mạng của An Nhơn. Cả cha mẹ đều là liệt sĩ. Trong kháng chiến, tôi hoạt động trên quê hương, sau này tôi cũng làm việc ngay trên quê hương. Gắn bó với quê hương như vậy nên trong mỗi bài viết đều hướng về đồng quê, làng mạc, lũy tre, dòng sông, bến nước, con đò… quê nhà”.
Trước Chân dung làng quê An Nhơn xưa, năm 2008, Trần Duy Đức in tập sách đầu tay, tập truyện ký, tản văn Góp nhặt phù sa. Năm 2014, cũng trên mạch An Nhơn, ông in tập ký, tản văn Tìm lại dấu xưa, tiếp tục khắc họa đậm nét về vùng đất An Nhơn. Đầu năm 2021, Trần Duy Đức cho xuất bản tập tản văn, bút ký Điều không thể quên. Gần 500 trang viết về quê hương An Nhơn, ông tái hiện vùng đất lịch sử còn in dấu một vương triều lừng lững Tây Sơn, một vùng kinh đô Champa với thành, tháp, gốm; những thương đau trong thảm sát Kim Tài, những lắng đọng hồn quê, tình người, những đắng đót các giá trị mộc mạc mà ân tình, nhân nghĩa người quê.
2. Nhiều lần gặp ông trong căn nhà ở phường Bình Định, trên căn gác nhỏ lại thấy ông cặm cụi bên trang sách, dò dẫm những tư liệu về vùng đất An Nhơn. Năm 2021, có dịp nói chuyện cùng ông, nhà văn đất An Nhơn này tâm sự rằng: “Tôi là người gắn bó nhiều với kháng chiến, nhất là những người mẹ, người chị đã nuôi giấu tôi. Và như một sự tri ân, tôi đang viết tập sách Còn đó nỗi đau, về một số mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) tiêu biểu, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một số thương binh đã từng vào sinh ra tử, cống hiến sức trẻ cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nhất là những anh chị em bị phơi nhiễm chất độc da cam ở chiến trường, hậu quả đau thương không chỉ một thế hệ... Tất cả đều ở An Nhơn”.
Nhà văn Trần Duy Đức ký tặng tập sách Còn đó nỗi đau cho bạn văn.
Nhà văn Trần Duy Đức bộc bạch: “Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng còn đó những vết thương âm thầm hành hạ không ít người, nỗi đau giằng xé về thể xác lẫn tinh thần đeo bám suốt cuộc đời, thậm chí đến thế hệ con và cả thế hệ cháu. Nỗi niềm day dứt đã thôi thúc tôi mày mò, sắp xếp, hệ thống những tư liệu có sẵn và tìm cách thu thập thêm nguồn tư liệu chưa có nhưng rất cần thiết để viết, nhất là các mẹ VNAH tiêu biểu. Tôi chọn được 45 mẹ tiêu biểu. Trong đó, có gia đình đến 8 liệt sĩ và 4 mẹ VNAH như nhà mẹ Nguyễn Thị Đẩu ở Tân Kiều, Nhơn Mỹ; có nhà 6 liệt sĩ và 3 mẹ VNAH như nhà mẹ Lê Thị Ngọc ở Quan Quang, Nhơn Khánh; có mẹ 3 người con trai khi đi kháng chiến chưa có gia đình và đều hy sinh, như mẹ Lê Thị Chiểu ở Đại Bình, Nhơn Mỹ… Mỗi người mẹ là một chân dung với bao hy sinh và nỗi đau, khiến ai biết đến câu chuyện đều rưng rưng xúc động”.
Trong buổi giới thiệu tập sách mới nhất của Trần Duy Đức, ông Từ Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn kiêm Chủ tịch Hội VHNT An Nhơn, chia sẻ: “Anh Trần Duy Đức là người có vốn sống phong phú, kiến thức rộng rãi, có khả năng nghiên cứu và viết nhiều thể loại. Anh làm việc miệt mài, bền bỉ, càng viết ngòi bút của anh càng tỏ ra sung sức. Cuốn sách Còn đó nỗi đau thật sự ý nghĩa, quý giá; nó kết tinh từ tâm huyết của anh, nó xuất phát từ lòng tri ân sâu sắc đối với những thế hệ đi trước đã chịu quá nhiều hy sinh, mất mát, thiệt thòi để cho quê hương, đất nước có được ngày hôm nay!”.
Có thể thấy, Trần Duy Đức đang xuyên suốt một dòng chảy An Nhơn trong trang viết của mình. Nhà văn giãi bày: “Chỉ mong trời thương, cho mình đủ sức khỏe và tỉnh táo để tôi tiếp tục nhiều trang viết còn dở dang phía trước”.
NGÔ PHONG