CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025:
Chú trọng vào các sản phẩm giàu tiềm năng
Giai đoạn 2021 - 2025, song song với việc phát triển các sản phẩm OCOP từng địa phương, ngành nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm giàu tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng, gắn kết phục vụ du lịch nông thôn.
Theo Sở NN&PTNT, thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, qua 2 năm triển khai, tỉnh Bình Định có 133 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, trong đó có 6 sản phẩm đạt hàng tiềm năng 5 sao, 13 sản phẩm 4 sao và 113 sản phẩm 3 sao. Tất cả các sản phẩm này đã được quảng bá, hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử. Trong khuôn khổ Chương trình, đã xây dựng được điểm bán sản phẩm OCOP tại TP Quy Nhơn và huyện Vân Canh; hoàn thiện và phát hành 1.000 cuốn cẩm nang giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Với chứng nhận OCOP, ước tính thu nhập của chủ cơ sở sản xuất tăng từ 10 - 15% so với trước đó và dễ được tiêu thụ hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Công ty TNHH Bidir Hoàng Long trưng bày và giới thiệu các sản phẩm rượu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao năm 2021. Ảnh: THU DỊU
Tuy vậy, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh ta na ná nhau dù ở nhiều địa phương khác nhau, chưa đồng đều về mặt chất lượng, chưa được quan tâm về mẫu mã, thiết kế... Theo đánh giá từ Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, OCOP là một chương trình mới, do vậy việc thực hiện ít nhiều còn lúng túng. Ngân sách hỗ trợ đầu tư cho sản phẩm OCOP còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn vốn phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thêm nữa, sản phẩm OCOP ở Bình Định thiếu sự liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ, do vậy thị trường tiêu thụ chưa rộng.
Ông Nguyễn Thành Mười, chủ cơ sở dầu phụng Thành Mười (Bình Thuận, Tây Sơn), chia sẻ: “Dầu phụng dán nhãn OCOP bán ra thị trường giá cao hơn 10 - 20%, khách hàng đã được biết về sản phẩm OCOP thì đánh giá cao. Tuy nhiên phần lớn khách hàng cho rằng các sản phẩm dầu phụng ở Tây Sơn đều giống nhau nhưng giá bán tại cơ sở của tôi cao hơn. Chính vì thế, để chứng minh cho giá trị sản phẩm dầu phụng Thành Mười, tôi đầu tư mới toàn bộ bao bì, đóng gói sản phẩm, thông tin đầy đủ về xuất xứ nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng... Cái khó với sản phẩm dầu phụng OCOP Thành Mười là kênh tiếp thị còn hạn chế nên sản phẩm tiêu thụ chưa rộng”.
Tương tự, ông Dương Văn Hành, Giám đốc Công ty TNHH Bidir Hoàng Long (Nhơn Phúc, An Nhơn) - đơn vị có 3 sản phẩm rượu được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, cũng bày tỏ: “Các sản phẩm OCOP Bình Định thiếu sân chơi chung để hỗ trợ liên kết, giới thiệu và bán chéo sản phẩm OCOP của nhau. Chính vì thế, gần như các chủ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP phải tự tiếp thị sản phẩm riêng lẻ, điều này vừa khiến chi phí tăng cao, không sử dụng được hạ tầng của nhau, vừa tạo sự cạnh tranh không cần thiết giữa các sản phẩm cùng địa phương”.
Theo một số chuyên gia, Bình Định có nhiều sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm có chất lượng tốt song lại chưa tạo được sự khác biệt rõ rệt. Trong khi đó, hiện nay người tiêu dùng gần như chỉ quan tâm tới sản phẩm khi nó tạo được ấn tượng. Từ thực tế đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bình Định phấn đấu mỗi năm có thêm 30 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên; tạo điều kiện hỗ trợ nâng hạng cho các sản phẩm OCOP hiện có, đặc biệt chú trọng đầu tư để đưa các sản phẩm OCOP tốt trở thành sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Nói về điều này, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Thời gian tới, Sở giao cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương và các chủ thể triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP Bình Định giai đoạn 2021 - 2025. OCOP là sản phẩm mang yếu tố lịch sử, văn hóa của vùng đất và sáng tạo của con người địa phương. Vì vậy chúng tôi sẽ nghiên cứu để sản phẩm OCOP có thể dễ dàng tham gia phục vụ, phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch khu vực nông thôn.
THU DỊU