Nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp
Bình Ðịnh là một trong những địa phương trồng mới rừng tập trung lớn, hằng năm từ 8.000 - 10.000 ha, trong đó chiếm tỷ lớn là rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Ðể đảm bảo chất lượng những cánh rừng, tỉnh ta tăng cường công tác quản lý, đầu tư nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp.
Những năm qua, số lượng cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Cụ thể, năm 2019 toàn tỉnh có 145 cơ sở đủ điều kiện, năng lực sản xuất 110 triệu cây giống/năm; năm 2020 tăng lên 160 cơ sở, sản xuất hơn 160 triệu cây giống/năm; năm 2021 là 169 cơ sở, sản xuất 164 triệu cây/năm. 8 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận có 171 cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, đã sản xuất được 157 triệu cây giống.
Toàn tỉnh có 171 cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, cung ứng hơn 220 triệu cây giống/năm. Ảnh: THU DỊU
Từ năm 2010, Sở NN&PTNT đã kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất cây giống; đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất cây giống ứng dụng công nghệ cao, phát triển vườn cây đầu dòng chất lượng cao phục vụ sản xuất cây giống, khuyến khích đầu tư cho cây giống cấy mô. Nhờ đó, uy tín của cây giống lâm nghiệp có xuất xứ từ Bình Định ngày càng nâng cao, được khách hàng tại nhiều thị trường như: Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình… tín nhiệm.
Hiện các cơ sở đang tập trung sản xuất phục vụ vụ trồng rừng mới năm 2022. Theo đó, các dòng keo lai BV10, BV16, BV32, BV33, BV75, BV71 và AH1 đang chiếm ưu thế. Theo kỹ sư Nguyễn Đăng Quang, Công ty TNHH Lâm nghiệp sông Kôn, sau nhiều năm chọn lọc, Công ty đang phát triển vườn ươm cây đầu dòng tiêu chuẩn với các dòng keo BV33, BV75, AH1, BV16… Những dòng này cho thấy mức độ sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ít gãy đổ… phù hợp với điều kiện của tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói chung, nên được nhiều người trồng rừng ưa chuộng.
Ở tỉnh ta, ngày càng có thêm nhiều DN chủ động xây dựng các vườn cây đầu dòng tiêu chuẩn, đầu tư sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô. Theo chia sẻ của cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Vũ Hà, để nâng cao chất lượng sản phẩm, việc xây dựng và quản lý chặt chẽ các vườn cây đầu dòng là yếu tố nền tảng rất quan trọng. Cùng với đó, Công ty còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật để có thể ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến tổ chức nuôi cấy mô, nâng cao năng lực sản xuất.
Nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất và nâng cao chất lượng cây giống, hằng năm Chi cục Kiểm lâm tổ chức các đợt kiểm tra, tuyên truyền cho các cơ sở này. Ảnh: THU DỊU
Bà Nguyễn Thị Anh Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho hay, qua kiểm tra, đánh giá hầu hết các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt các quy định về sản xuất, kinh doanh; sử dụng các giống từ các vườn cây đầu dòng đảm bảo tiêu chuẩn. Nhiều cơ sở liên tục đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo hoạt động sản xuất. Hằng năm, thực hiện công tác quản lý nhà nước, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra các cơ sở này.
“Cây giống là một trong những yếu tố quyết định lớn chất lượng của rừng, trong khi Bình Định đang chuyển hướng phát triển rừng gỗ lớn thì đây là yếu tố cần được chú trọng. Bên cạnh điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, chủ rừng nên lựa chọn những giống cây đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đưa vào trồng rừng để hạn chế rủi ro. Hiện nay, ngành nông nghiệp cũng đã cung cấp thông tin về các cơ sở đủ điều kiện sản xuất cây giống trên trang thông tin của Sở, người dân có thể tham khảo, lựa chọn”, bà Nguyễn Thị Anh Nguyên cho biết thêm.
THU DỊU