Kiểm soát và giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu
Dù giá xăng, dầu đã giảm 5 lần liên tiếp nhưng nhiều loại dịch vụ, hàng hóa, đặc biệt là các loại lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... sau khi tăng theo giá xăng vẫn không hạ. Trước tình hình đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi.
Trước đây, lấy lý do giá xăng dầu, gas tăng mạnh, nhiều loại dịch vụ, hàng hóa, đặc biệt là các loại lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... tăng giá theo đến chóng mặt. Đến nay, giá xăng dầu, gas hạ liên tiếp, giá các mặt hàng này vẫn đứng yên.
Nhiều chủ cơ sở sản xuất, cung ứng hàng hóa cho rằng, giá xăng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành của hàng hóa, trong khi mọi thứ đầu vào khác đều tăng giá nên không thể giảm giá bán khi giá xăng giảm. Một số cơ sở chăn nuôi cho rằng, giá thịt, trứng tăng cao chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi đã tăng mạnh so với năm trước. Cách giải thích này chưa thực sự thuyết phục bởi giá xăng, dầu tăng luôn được lấy cớ đầu tiên để “té nước theo mưa” tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Đoàn công tác của Sở Công Thương kiểm tra tại siêu thị GO! Quy Nhơn về cung ứng hàng hóa và bình ổn giá. Ảnh: HẢI YẾN
Đầu tháng 9, các siêu thị trong tỉnh đồng loạt đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá các mặt hàng, nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm tươi sống. Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng tổ Marketing, siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, cho biết: Ngay sau khi giá xăng dầu giảm liên tiếp, siêu thị làm việc với các nhà phân phối để điều chỉnh giảm giá nhiều mặt hàng. Cụ thể: Dầu ăn giảm 2 - 11%, thịt gia cầm giảm 10- 12%, trứng các loại giảm 5%, trái cây giảm 10 - 16%, rau củ quả giảm 10 - 15%. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để tăng doanh số và thu hút người tiêu dùng.
Dù nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã có một số đợt khuyến mãi, giảm giá nhưng thực tế cho thấy giá các mặt hàng vẫn còn ở mức rất cao.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh tháng 8.2022 giảm 0,17% so tháng trước; bình quân 8 tháng đầu năm 2022 tăng 2,88% so với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 còn rất phức tạp. Tại tháng 8.2022, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, chỉ duy nhất nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,9%. Giá thủy sản cao hơn mọi năm do giá mặt hàng cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 0,05%, giá tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 0,92%, thủy hải sản tươi sống khác tăng 0,89% so với tháng trước.
Con số thống kê thậm chí còn cho thấy, giá bắp cải tăng 0,17%; trái cây tươi, chế biến tăng 0,55%; các loại củ, quả tăng 1,26%; giá rau tươi và một số loại đã sơ chế tăng 2,1%; rau gia vị tươi, khô các loại tăng 4,82%; riêng cà chua tăng đến 9,96%.
Các cơ quan chức năng tích cực kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, thực phẩm cuối năm. Ảnh: HẢI YẾN
Trước tình hình giá cả như thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái theo Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31.7.2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá; tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân; đặc biệt là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics. Tổ chức rà soát kê khai giá của DN để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Sở Tài Chính, cho biết: Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các DN, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết. Sở chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường; xử lý các sai phạm theo quy định…
Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo các DN, ngành hàng chủ động phương án cân đối cung-cầu, dự trữ nguồn hàng, thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; đẩy mạnh đưa hàng về khu vực nông thôn và kích cầu tiêu dùng nội địa… Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật.
HẢI YẾN