Thảo luận xung quanh quy định pháp luật về giao dịch điện tử
(BĐ) - Ngày 22 và 23.9, tại TP Quy Nhơn, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quy định của pháp luật về giao dịch điện tử: Thực trạng và kiến nghị sửa đổi”.
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì Hội thảo.
Ông Đoàn Văn Phi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh dự Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của các vị ĐBQH, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các bộ, sở, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh: Hội thảo là diễn đàn để các vị ĐBQH, các chuyên gia, các nhà quản lý chia sẻ, thảo luận về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế từ đó kiến nghị với Quốc hội các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về giao dịch điện tử, quy định để đảm bảo các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý, thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ giao dịch điện tử, tạo thành tố để chuyển môi trường thực sang môi trường số và môi trường số tạo lập theo quy định của Luật phải phong phú hơn môi trường thực, thời gian nhanh hơn, không phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, bảo đảm an toàn, tin cậy hơn; thể hiện được đầy đủ ý chí, quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia, bảo mật thông tin cá nhân theo Hiến pháp.
Hội thảo “Quy định của pháp luật về giao dịch điện tử: Thực trạng và kiến nghị sửa đổi”. Ảnh: N.M
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia cùng thảo luận, đánh giá về thực trạng, những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giao dịch điện tử; thảo luận về một số nội dung dự kiến quy định trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); các vấn đề về thông điệp dữ liệu điện tử; giá trị pháp lý của chữ ký số, chữ ký điện tử, định danh và xác thực điện tử; tính khả thi của dịch vụ tin cậy; về chứng thực dữ liệu, giao kết hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử... Bên cạnh đó là thảo luận việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với DN và giữa cơ quan nhà nước với người dân; về an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử; kinh nghiệm pháp luật của Hàn Quốc về hợp đồng điện tử.
Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội Khóa 11 thông qua ngày 29.11.2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2006. Sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử cùng với các luật chuyên ngành và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển KT-XH. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ bản bảo đảm sự phân công, phân cấp, phối hợp, thực hiện phát triển và ứng dụng giao dịch điện tử trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước yêu cầu của các Điều ước quốc tế, các Hiệp định mà Việt Nam ký kết, là thành viên và yêu cầu của quá trình thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức thì Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Dự án Luật Giao dịch điện (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với mục tiêu khắc phục những tồn tại, hạn chế, bổ sung quy định điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh nhằm hoàn thiện thể chế, tăng cường pháp chế về giao dịch điện tử góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số; ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên không gian mạng…
NGUYỄN MUỘI