Mỹ - Iran đấu khẩu về vấn đề hạt nhân tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Ngày 21.9, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng trong khuôn khổ kỳ họp khóa 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Quan điểm khác biệt của 2 nhà lãnh đạo cho thấy việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân còn nhiều thách thức.
Phát biểu tại Khóa họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nêu rõ, nước này nghiêm túc trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân, nhưng bày tỏ lo ngại về cam kết của Mỹ đối với thỏa thuận này sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018.
Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Iran Raisi. Ảnh: KT
“Những yêu cầu của chúng tôi dựa trên những gì đã xảy ra. Mỹ rời khỏi thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện và cho đến thời điểm hiện tại, Iran đã mất 1,5 năm để đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn nói về những câu chuyện cũ trong quá khứ, điều này đặt dấu hỏi cho sự chân thành của Mỹ đối với quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Chính vì thế chúng tôi cần một sự cam kết thực sự của phía Mỹ”, ông Raisi nói.
Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Bagheri Kani, người cùng Tổng thống Raisi đến New York để tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho biết, Iran chưa bao giờ rời khỏi bàn đàm phán và đàm phán là một cách hợp lý để giải quyết những khác biệt. Ông Kani nhắc lại rằng Iran sẽ không đàm phán với Mỹ trước khi nước này đảm bảo sẽ hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng tái gia nhập thỏa thuận nếu Iran thực hiện các cam kết của mình.
“Mỹ chuẩn bị cho việc cùng nhau quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện nếu Iran thực hiện các nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nói rõ, Mỹ sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”, Tổng thống Biden cho biết.
Những phát biểu của hai bên cho thấy, cho dù sau nhiều tháng đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, thì hiện cả hai bên vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ mà đang chờ đợi bên kia thực hiện các cam kết trước. Điều này cho thấy việc khôi phục thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, việc cả hai bên sử dụng diễn đàn Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để duy trì giải pháp ngoại giao, bằng cách nhắc lại mong muốn đạt được một thỏa thuận bền vững đã cho thấy, mặc dù việc khôi phục thỏa thuận chưa được nối lại nhưng ít nhất cả hai bên đều có ý muốn không để tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.
Vòng đàm phán mới nhất nhằm khôi phục Kế hoạch hành động chung toàn diện diễn ra tại Vienna (Áo) từ đầu tháng 8, sau 5 tháng đình trệ. Ngày 8.8, EU đưa ra “văn bản cuối cùng” của dự thảo về việc khôi phục thỏa thuận. Tuy nhiên, Iran bổ sung yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kết thúc cuộc điều tra về dấu vết vật liệu hạt nhân tại 3 cơ sở của Tehran.
Trong khi đó, Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, khiến việc khôi phục thỏa thuận này không tiến triển. Bởi theo luật pháp Mỹ, bất kỳ thỏa thuận mới nào với Iran cũng phải trải qua thời gian xem xét 30 ngày trước khi được Quốc hội thông qua. Trong bối cảnh chiến dịch tranh cử đang bước vào hồi gay cấn tại Washington, chắc chắn không chính trị gia nào tại Mỹ sẽ mạo hiểm lựa chọn bỏ phiếu và thúc đẩy một thỏa thuận gây tranh cãi như vậy.
Theo Vũ Anh Tuấn (VOV1)