Nới hạn mức tín dụng: Ngân hàng, doanh nghiệp đều vui
Thời gian qua, cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn trong vay vốn để đầu tư sản xuất, bởi nhiều ngân hàng thông báo đã hết hoặc không còn nhiều hạn mức tín dụng nên hạn chế cho vay. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh, cấp thêm hạn mức tín dụng, giúp các ngân hàng nới rộng biên độ hoạt động cho vay; DN giảm bớt khó khăn về vốn.
Hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng là vấn đề được cả ngân hàng và cộng đồng DN quan tâm trong thời gian qua, khi nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room được cấp ngay từ những quý đầu năm, dẫn đến tình trạng có vốn, thậm chí dư vốn nhưng không thể cho vay mới. Khách hàng cũng khó tiếp cận và vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) vì ngân hàng đã hết room tín dụng.
Nhân viên Sacombank Bình Định tư vấn khách hàng vay vốn. Ảnh: TIẾN SỸ
Trong bối cảnh đó, đầu tháng 9.2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh, cấp thêm room tín dụng cho 18 ngân hàng với mức tăng từ 1 - 4% so với đầu năm; ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh, có tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn cao. Theo đó, Sacombank là ngân hàng được cấp room tín dụng nhiều nhất với 4%, tiếp đến là Agribank 3,5%; HDBank 3,4%; MB Bank 3,2%; OCB 3,1%; ACB, VIB 3%; Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room tín dụng nhưng ở mức khiêm tốn hơn. Việc cấp thêm room tín dụng sẽ giúp ngân hàng khơi thông nguồn vốn, tăng hiệu quả kinh doanh; giúp DN giải quyết khó khăn về tài chính, đẩy mạnh SXKD.
Không tiết lộ cụ thể tỷ lệ room tín dụng đã được hội sở chính phân bổ, nhưng ông Lê Vũ Cảnh, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Bình Định (Sacombank Bình Định) cho rằng, được nới room tín dụng vào thời điểm này chẳng khác “nắng hạn gặp mưa”. Room tín dụng đã cạn từ tháng 4.2022, ngân hàng rất tiếc khi không đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng; khách hàng cũng không vui khi không được vay đúng số tiền mình cần để thực hiện kế hoạch SXKD. Vì thế, ngay sau khi được nới room tín dụng, ngân hàng đã giải quyết nhanh nhu cầu vay của nhiều khách hàng.
Ngay sau khi được nới room tín dụng, Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định) cũng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho hay: Dù khách hàng liên tục đề nghị nâng hạn mức vay nhưng vì hết room tín dụng, nên chúng tôi đành phải động viên khách hàng chờ đợi. Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp thêm room tín dụng cho toàn bộ hệ thống Agribank trong cả nước là 3,5%, trong số tăng thêm Agribank Bình Định được hội sở phân bổ 2%. Dù số tăng thêm không nhiều như kỳ vọng, nhưng trước mắt cũng góp phần giải quyết nhu cầu vốn vay của khách hàng.
Việc các ngân hàng được cấp thêm room tín dụng, cung ứng một nguồn vốn mới cho thị trường sẽ giúp DN giảm bớt khó khăn về vốn, để có thể “bứt tốc” SXKD trong những tháng cuối năm. Mới được vay hơn 1 tỷ đồng từ một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Quy Nhơn, ông T.S.T, Giám đốc một DN vận tải hành khách tại TP Quy Nhơn, cho biết: Những tháng cuối năm là mùa cao điểm của ngành nghề vận chuyển hành khách, DN rất cần thêm vốn để đầu tư phát triển kinh doanh và được ngân hàng giải quyết vốn là quá tốt; giúp công ty có thêm cơ hội đầu tư nâng cấp phương tiện, mở thêm các tuyến vận tải hành khách, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ông Phan Hồng Quý, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Bình Định, cho hay: Việc các ngân hàng cung ứng nguồn vốn mới cho thị trường chắc chắn giúp các DN giảm bớt khó khăn về tài chính, có điều kiện thực hiện kế hoạch đầu tư. Hiện chúng tôi đặc biệt quan tâm đến gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ. Khi các ngân hàng được cấp thêm room tín dụng, DN có nhiều cơ hội vay vốn từ gói hỗ trợ nói trên để đầu tư phát triển SXKD, tăng doanh thu trong những tháng cuối năm.
Theo ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, hiện Chi nhánh chưa có thông tin cụ thể về tỷ lệ room tín dụng mà các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh được cấp, nhưng việc nới room tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý như hiện nay là liều thuốc kích thích để DN phục hồi phát triển SXKD. Chi nhánh giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh và đề nghị các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
PHẠM TIẾN SỸ