CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH BÌNH ĐỊNH LẦN THỨ XIV, NHIỆM KỲ 2022 - 2027
Góp sức bảo tồn văn hóa truyền thống
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh luôn quan tâm giáo dục ý thức cũng như khơi gợi, khuyến khích, tổ chức cho ĐVTN và học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bằng những việc làm cụ thể.
Khơi dậy niềm tự hào
Trưa thứ Tư hằng tuần, các thành viên CLB Cồng chiêng và múa xoang của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) lại hào hứng đến hội trường tập luyện đánh cồng chiêng và múa xoang. Các em được chia thành nhiều nhóm; nhóm được chủ nhiệm CLB và anh chị khóa trên hướng dẫn những kỹ năng, điệu thức, cách diễn tấu cồng, chiêng, đánh trống theo nhịp; nhóm được hướng dẫn các điệu múa xoang truyền thống. Sau đó, các em cùng nhau biểu diễn để nhớ các kỹ năng vừa được truyền dạy.
Tham gia CLB này được gần 1 năm, từ chỗ không biết cầm và đánh chiêng, em Đinh Văn Định (người Bana, lớp 9A2), đã có động tác thuần thục. Định chia sẻ: “Em thấy việc học đánh cồng chiêng rất bổ ích, giúp em và các bạn thêm tự hào, có ý thức gìn giữ truyền thống của dân tộc Bana mình tốt hơn”.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh tập luyện đánh cồng, chiêng và trống. Ảnh: C.H
Theo thầy Đặng Thanh May, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh, CLB Cồng chiêng và múa xoang thành lập từ năm 2019, hiện có 28 học sinh tham gia. Hằng năm, nhà trường thường mời nghệ nhân về dạy kỹ năng chơi nhạc cụ cho học sinh; vận động các em tham gia các hoạt động VH-TT; biểu diễn các tiết mục cồng chiêng, múa xoang vào lễ khai giảng, tổng kết, ngày hội… Từ đó, tạo ra sân chơi bổ ích, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi học sinh trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình và phát triển văn hóa cồng chiêng trong tương lai.
Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Thạnh Lương Thành Chương cho hay, tại các xã, thị trấn, trường nội trú trong huyện đã thành lập 12 CLB Cồng chiêng và múa xoang thanh niên và 1 CLB Hát bài chòi, với hơn 300 ĐVTN, học sinh tham gia. Việc thành lập và duy trì các CLB đã góp phần khơi dậy trong các bạn trẻ niềm tự hào, đam mê, cố gắng lưu giữ những giá trị truyền thống của cha ông để lại.
Còn tại TX Hoài Nhơn, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể luôn được Thị đoàn chú trọng. Thị đoàn đã chỉ đạo cho một số Đoàn phường thành lập CLB võ thuật thanh niên; một số liên đội, chi đoàn trường học thành lập CLB Hát bài chòi dân gian và hoạt động hiệu quả, như: Trường THPT Nguyễn Du, THCS Tam Quan, THCS Tam Quan Nam…
Thầy Nguyễn Phong Hạnh, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tam Quan Nam, nhìn nhận: Từ khi thành lập CLB Hát bài chòi dân gian, phong trào hát dân ca trong học sinh đi vào chiều sâu, các em hào hứng muốn thể hiện bản thân, tham gia tích cực. Cũng từ việc học các làn điệu dân ca, học sinh càng hiểu hơn những tâm tư, tình cảm của con người xưa và nay, thêm tự hào và yêu mảnh đất quê hương.
Chung tay bảo tồn, phát huy
Trong nhiệm kỳ qua, công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quan tâm. Trên 100 CLB sở thích như: CLB cồng chiêng, bài chòi, võ thuật thanh niên… cùng nhiều mô hình “Em yêu văn hóa dân gian” được thành lập.
Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn thường xuyên phối hợp với các sở, ngành định kỳ tổ chức các ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số, ngày hội thanh niên dân tộc thiểu số... nhằm tạo sân chơi để thanh niên dân tộc thiểu số có điều kiện giao lưu, học hỏi, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Hồng Hiệp, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống. Bởi, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội như hiện nay, nhiều yếu tố tiêu cực tác động không nhỏ đến một bộ phận thanh thiếu niên, làm họ xa rời truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc; có những biểu hiện lệch lạc về chuẩn mực giá trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; đề cao giá trị văn hóa du nhập từ nước ngoài, dẫn đến bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc có nguy cơ dần bị mai một.
“Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tăng cường giáo dục cho ĐVTN, học sinh về những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa để thế hệ trẻ hiểu, giúp họ thấy được những cái hay, cái đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống. Khuyến khích ĐVTN thành lập các nhóm văn nghệ hát, múa, mặc trang phục truyền thống. Làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho công tác bảo tồn ở cấp huyện, cấp xã… Từ đó, xây dựng ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động của tuổi trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống”, anh Hiệp cho hay.
CHƯƠNG HIẾU