Nạn giấy tờ giả gia tăng phức tạp
Trước tình trạng gia tăng tội phạm làm giả và cố tình sử dụng giấy tờ, con dấu giả của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn và xử lý nghiêm.
Tinh vi và phức tạp
Theo các cơ quan tiến hành tố tụng, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã khởi tố 12 vụ/29 bị can về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; tăng 4 vụ/26 bị can so với cùng kỳ. Đối tượng sử dụng giấy tờ giả với nhiều mục đích khác nhau, từ đáp ứng nhu cầu công việc đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đơn cử, bị cáo Huỳnh Trúc Như (SN 1986, ở huyện Tuy Phước) phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” đã cố tình đặt làm giả giấy chứng nhận đăng ký ô tô với giá 2,5 triệu đồng để thế chấp vay 300 triệu đồng. Trả lời trước Hội đồng xét xử, Như thừa nhận: “Xe ô tô mua trả góp nên giấy tờ gốc ngân hàng giữ, trong khi bị cáo đang cần tiền, qua Facebook thấy việc đặt làm các giấy tờ giả rất dễ nên đặt làm mà không nghĩ nhiều đến hậu quả”.
Tương tự, Phùng Mạnh Tu (SN 1989, ở TX An Nhơn) vừa bị Hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên phạt tổng mức án 16 năm tù giam với 2 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Để có tiền đầu tư kinh doanh và tiêu xài cá nhân, Tu liên lạc qua Zalo với tài khoản có tên “Đào tạo lái xe Thành Công”, đặt làm giả nhiều loại giấy tờ (gồm 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; 3 chứng nhận đăng ký ô tô) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Phùng Mạnh Tu. Ảnh: K.A
Trung tá Hà Thanh Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra (CA tỉnh), cho biết, tình trạng các đối tượng có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có chiều hướng gia tăng, ngày càng tinh vi và phức tạp. Lực lượng đã và đang đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để kịp xác minh, phát hiện, xử lý ngay nhóm tội phạm này để ổn định tình hình.
Thận trọng thực hiện các giao dịch
Trước tình trạng sử dụng giấy tờ giả để thực hiện các giao dịch ảnh hưởng đến tài sản của Nhà nước và công dân, gây rối loạn công tác quản lý hành chính, các ngành liên quan đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn; đồng thời tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cho người dân.
Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng; có thể bị phạt đến 7 năm tù giam. Đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác được quy định tại Điều 208 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể bị phạt 20 năm tù giam.
Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Viện KSND tỉnh), khuyến cáo: “Hiện nay, các loại giấy tờ giả thường được làm rất tinh vi, rất khó phân biệt bằng mắt thường. Khi thực hiện các giao dịch, chúng ta cần thận trọng kiểm tra tính thật - giả của các giấy tờ để tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo, nhất là các giao dịch vay vốn, chuyển nhượng. Khi mua đất, người dân nên đến UBND xã, phường, thị trấn hoặc các cơ quan chức năng để kiểm tra lại thửa đất đã được cấp sổ đỏ hay chưa, cấp cho ai, vị trí lô đất nằm ở đâu”.
Trong khi đó, theo Trưởng Phòng Công chứng số 1 Tôn Thanh Xuân, trong quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch hay chứng thực sao y các loại giấy tờ, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản chính cho công chứng viên. Để phòng tránh các trường hợp gian dối, xuất trình các loại giấy tờ giả hoặc giả chủ thể tham gia ký kết các hợp đồng giao dịch, đòi hỏi công chứng viên phải nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
“Trong các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng viên hằng năm, chúng tôi thường được các chuyên gia trao đổi về những kỹ năng này. Mặt khác, sự đúc kết kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thông tin chia sẻ kịp thời của đồng nghiệp trong các tổ chức hành nghề công chứng luôn giúp công chứng viên thực hiện tốt khâu quan trọng này. Thêm nữa, do đặc thù công việc nên đòi hỏi công chứng viên khi tiếp nhận hồ sơ luôn hết sức cẩn trọng để tránh những rủi ro gặp phải giấy tờ giả, chủ thể giả tham gia ký kết hợp đồng giao dịch; tránh những hậu quả pháp lý khó lường”, ông Xuân cho biết.
Bên cạnh sự chủ động của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không vì lợi ích trước mắt mà cổ súy, tiếp tay cho các đối tượng làm giả, sử dụng các loại giấy tờ giả. Khi phát hiện các hành vi làm giấy tờ giả, cần trình báo cơ quan chức năng. Đây là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, kéo giảm tình trạng này.
KIỀU ANH