Trải nghiệm để yêu thương nhiều hơn
Tuổi trẻ luôn khao khát được đi đây đi đó, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Món quà quý nhất sau mỗi chuyến đi ấy là cảm xúc, bài học về những người đã gặp, những việc đã làm. Bởi vậy, không ít bạn trẻ muốn được trao đi yêu thương, học cách chia sẻ thông qua các chuyến thiện nguyện.
Vừa thu dọn tiệm, anh Phan Trọng Khải (SN 1994, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) vừa hào hứng kể lại chương trình thiện nguyện tại xã Canh Liên (huyện Vân Canh) mà anh vừa tham gia cùng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Nghi. Trong chương trình ấy, anh xung phong cắt tóc miễn phí cho trẻ em dân tộc thiểu số ở làng Canh Tiến.
Lần đầu tham gia, anh hồi hộp kiểm tra nhiều lần những đồ dùng cần thiết. Đến nơi, anh bạn trẻ lân la làm quen, trò chuyện với lũ trẻ. Khải bảo, cần chủ động làm quen để giúp tâm lý trẻ được thoải mái khi cắt tóc, bởi không phải trẻ nào cũng vui vẻ, tình nguyện để người lạ chạm vào người.
Anh Khải cắt tóc miễn phí cho trẻ em ở làng Canh Tiến. Ảnh: Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Nghi
“Trẻ em ở làng rất thân thiện. Các em rất thích thú khi vừa cùng tôi trò chuyện, vừa ngoan ngoãn ngồi cho tôi cắt tóc. Điểm “kỳ lạ” nhưng vô cùng đáng yêu là khi 1 em được cắt thì 2 - 3 bạn nhỏ khác vây quanh, nhìn theo động tác tay của tôi, ra dáng làm theo rồi bật cười giòn giã”, anh Khải vui vẻ kể.
Chính lần thiện nguyện đáng nhớ đầu tiên trong đời đã giúp anh làm quen với việc gặp gỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn; gieo vào lòng hạt mầm của sự đồng cảm, nhân ái. Bên cạnh những cảm xúc khó tả, anh tự nhủ: Sẽ tham gia nhiều chương trình từ thiện hơn nữa để trải nghiệm nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn.
Cũng lần đầu tham gia thiện nguyện, chị Dương Thị Hiếu Thảo (SN 1993, ở TP Quy Nhơn) và Võ Dương Uyển Nhi (SN 2000, ở TP Quy Nhơn) cùng những người anh, người chị trong dòng họ tổ chức chương trình vui chơi, tặng quà cho 150 trẻ em ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn.
Điều đặc biệt ở chỗ, đây là chương trình “dài hơi”, kéo dài đến 5 tiếng, từ 15 giờ đến 20 giờ. Bởi vậy, với một tập thể chưa từng có kinh nghiệm tổ chức, việc chuẩn bị, lên kế hoạch phải được thực hiện trước… 2 tuần.
Ban ngày, người đi làm, người đi học nên không làm được gì. Đến tối, chị Thảo lại í ới, rủ mọi người cùng tập văn nghệ. Vì là tiết mục “cây nhà lá vườn” nên cả nhóm vừa tìm bài hát, động tác rồi động viên nhau luyện tập, lắm hôm tới nửa đêm.
Trong lúc nhìn anh chị em tập văn nghệ, Nhi góp sức vào chương trình chung bằng cách lựa quà, gói quà sao cho bắt mắt, phù hợp với sở thích của trẻ em. Xong xuôi, cô nàng tự tay cắt, dán giấy, tô màu rồi xâu từng chuỗi ngọc để trang trí cho trang phục văn nghệ.
“Ngày thường, tôi hay mày mò làm đồ handmade nên trong chương trình này, tôi xung phong nhận khâu gói quà, chuẩn bị đạo cụ, trang phục phục vụ cho tiết mục văn nghệ”, Nhi chia sẻ.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của cả nhóm trong chuyến đi là nỗi lo về thời tiết. Sau khi đến xã Tây Vinh, mọi người bắt tay ngay vào việc trang trí sân khấu. Lúc này trời nắng, không có một bóng mây. Thế nhưng, ngay khi chương trình bắt đầu, trời bỗng nổi gió, mây kéo đến nhiều hơn.
“Chúng tôi lo rằng thời tiết sẽ ảnh hưởng đến việc trẻ em tận hưởng chương trình. Bởi vậy, cả nhóm đẩy nhanh tiến độ giữa các hoạt động nhưng vẫn nơm nớp, sợ trời đổ mưa. Thế nhưng, nỗi lo ấy dần phai nhờ tiếng vỗ tay và tiếng cười của các em nhỏ kéo dài đến tận khi chương trình kết thúc. Ngay sau đó, trời đổ mưa nặng hạt”, chị Thảo bồi hồi nhớ lại.
Khép lại chuyến đi, cả chị Thảo, Nhi hay những bạn trẻ khác trong đoàn đều vui, ai cũng “bỏ túi” cho mình cảm giác ấm lòng cùng các bức ảnh kỷ niệm vô giá. Mọi người bảo nhau: Còn trẻ là còn đi, còn trải nghiệm. Sau này, sẽ cố gắng cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, lan tỏa yêu thương.
DIỆU NGỌC