Những truyện kỳ thú về cọp Bình Định: Ngắn, độc đáo & chưa ai kể
5 truyện cọp trong tập sách Những truyện kỳ thú về Cọp chưa ai kể (tác giả Nguyễn Lam Điền), NXB Trẻ ấn hành tháng 9, dù đã gần về cuối năm cọp, nhưng cũng đủ để “hớp hồn” con trẻ nếu được nghe ba, mẹ đọc hay kể lại. Truyện kể kiểu như vậy là đề tài chưa được khai thác nhiều, chúng vốn dĩ hiện diện ở vùng đất có thật, qua những con người thật, là không khí của Bình Định thời Tây Sơn! Chỉ bấy nhiêu đã thôi thúc người đọc cầm sách lên và cắm cúi đọc say mê lúc nào không biết…
Tập sách mỏng, truyện kể không dài nhưng cảm giác, có độ dày công phu trong cách giúp ích cho sự lưu giữ và phổ biến vốn liếng văn hóa của người Việt. Đặc biệt, với vùng đất được đề cập trong sách là Bình Định.
Bình dị ba kể con nghe
Nếu ai may mắn hằng đêm được ba mẹ hay ông bà kể cho nghe những câu chuyện lạ, hẳn sẽ lưu giữ mãi trong ký ức mình nỗi háo hức chờ nghe, sự kỳ thú, và những tưởng tượng vô biên. Tác giả của tập sách chính là một đứa trẻ may mắn thuở ấy. Trong ký ức sống động của anh, là những chiều mưa rả rích, được cùng anh chị em quây quần bên bố, nghe các câu chuyện kỳ thú mà người bố “thâu tóm” được trong quá trình sống ở nhiều nơi, đi lại nhiều vùng của mình.
5 truyện cọp đặc biệt hơn, bởi là những câu chuyện có thật ở vùng đất từng là nơi “chôn nhau cắt rốn” của người bố và cả những đứa con ngồi nghe kể truyện. Đứa trẻ con nghe chuyện ngày nào, giờ đã là một người cha. Người cha bây giờ, lại đem các câu chuyện cọp đó, kể lại cho con mình. Những câu chuyện nọ, bỗng thành sợi dây kết nối thế hệ, từ đời ông qua đời cháu. Truyện, không chỉ để kể ra rồi kết thúc, bất cứ đứa trẻ nào của thời nào, cũng vẫn ham nghe truyện, vẫn hau háu mắt hớp từng lời từng chữ qua giọng cha kể lại. Những buổi tối trước khi ngủ của đứa trẻ, mang theo câu chuyện cha mình kể, thành một thói quen, đủ để nuôi dưỡng sự hiếu kỳ và tò mò, cộng một niềm hãnh diện về vùng đất nơi bắt đầu nguồn cội của mình.
5 truyện cọp được tác giả chia sẻ trong tập sách, đều là người đối diện với cọp, cọp đối diện với người, hai bên đánh nhau kịch liệt. Người giỏi võ nghệ, cọp có sức mạnh, người hiểu thuộc tính thú dữ, thú cũng hiểu tập tính của người. Hai bên, vừa chiến đấu, vừa nương dựa, vừa tôn trọng, vừa kiêng dè. Lúc đấu trí, lúc bằng sức mạnh, đều quyết một mất một còn. Những cuộc đánh cọp dữ chỉ bằng cây gậy vót nhọn, hay những cuộc “bày binh bố trận” bẫy cho được ông cọp ba chân nhưng vô cùng hiểm hóc... là dẫn chứng sinh động cho những thế võ và sự tài trí của những con người ở một vùng đất mà võ nghệ đã là một đặc sản quý giá và nổi tiếng khắp cả nước. Trong các câu truyện cọp, có những câu chuyện ẩn tàng cả màu sắc tâm linh huyền bí như truyện Cải số bị cọp bắt, khi một ông cọp linh hiện thân thành một ông già râu trắng, báo tin cho người anh biết chuyện người em vốn dĩ gặp phải số sẽ bị cọp bắt và chỉ cách làm sao để giữ được xác người em, mô típ này, gần như ít thấy ở vùng miền khác.
Ngắn thôi, nhưng độc đáo
Các truyện này, đủ kết nối và gợi lại không khí cũng như tập quán của người xưa, thuở thiên nhiên và con người có nhiều tương tác. Dân sơn tràng gắn đời sống với hoạt động trong núi rừng là nơi trú ngụ của cọp, vẫn giữ lệ kiêng gọi thẳng là “cọp” hay “hổ” mà thường gọi tránh thành ông khái, ông ba mươi hay chúa sơn lâm... hoặc khi vào rừng nghe tiếng gọi tên mình thì không được lên tiếng đáp lời, vì sợ hổ thành tinh sẽ dẫn dụ mình theo. Cọp lúc nào cũng có một vị trí riêng. Người giỏi võ thuật, có trí khôn, nhưng cọp có sức mạnh và sự bền bỉ, bên cạnh khả năng “nhìn đòn” của cọp dành cho người, người đối với cọp gần như tương đồng với nhau.
Các truyện cọp trong tập sách, có khắc họa những động tác vồ mồi của hổ, theo tác giả, từ xa xưa đã được nghiên cứu đưa vào võ thuật. “Một số dòng võ tôn xưng hắc hổ hoặc bạch hổ là tổ - đây không chỉ là biểu tượng của một môn nghệ thuật lấy sức mạnh làm chất liệu, mà cụ thể các động tác võ thuật được xây dựng từ động tác của loài hổ vẫn còn dấu ấn trong các bài quyền với từng câu thiệu (mô tả động tác) rành mạch”.
Những câu chuyện như trong tập sách, đọc không chỉ là thưởng thức đơn thuần, mà chính là để tâm thức mình cộng thêm một nét văn hóa bản địa có tính vùng miền. Và phần nào, góp cho chính các bậc cha mẹ và các em thiếu nhi, có thêm nguồn truyện hay và độc đáo, để kể cùng nhau.
NHÃ LINH