Đàn chim di trú
Bắt gặp đàn chim xếp đội hình chữ V bay ngang khung trời nhỏ, lô xô giữa những tòa nhà cao tầng, lòng tôi chợt nhói lên vì nhớ. Ngày tôi còn bé, mẹ thường chỉ tay theo những cánh chim mong manh giữa bầu trời rộng mênh mông và kể vô vàn câu chuyện về cuộc hành trình di trú của chúng. Đàn chim chẳng biết từ nơi nào đến, mải miết rẽ gió bay về phương Nam, tìm miền nắng ngọt. Chúng bay theo trật tự đã được mã hóa trong gen từ triệu triệu năm trước.
Tiếng gọi bầy xao xác xoáy sâu vào hoàng hôn đỏ ối. Tán cây ấp ôm đàn chim di trú khỏi sương lạnh sau ngày dài miệt mài bay. Khe suối, cánh đồng vỗ về cơn đói khát của chúng nhưng cũng tiềm ẩn đầy cạm bẫy. Thằng bé tôi năm bảy, tám khi ấy nước mắt vòng quanh khi nghe mẹ kể về cánh chim đuối sức buộc bỏ dở hành trình. Hay những chú chim già yếu, có con non phải ở lại, túm tụm vào nhau kiếm ăn qua mùa đông giá rét.
Tôi và nhiều đứa trẻ quê nghèo cũng mang trong mình giấc mơ di trú. Thành phố xênh xang ánh đèn vẫy gọi những đứa con của ruộng đồng. Người nông dân cả đời lấm láp bùn gửi giấc mơ bước qua lũy tre làng vào đám trẻ. Chúng tôi lớn lên và giấc mơ lớn lên, chúng tôi rời quê lên thành phố mưu sinh.
Suốt mười năm xa quê, ngày nào cũng vậy, cứ đều đặn bảy, tám giờ tối là tôi gọi điện về nhà. Đôi khi chỉ là dăm ba câu hỏi thăm vu vơ: “Bố mẹ ăn cơm chưa? Ở nhà nắng hay mưa?”. Nhìn thấy con qua màn hình điện thoại, nghe tiếng con, biết con vẫn khỏe mạnh nơi đất khách quê người, với bố mẹ thế là đủ. Tôi nhớ nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên từng viết về vùng quê hương “ba đèo bảy động heo hút khó nghèo” Cát Hải của ông và gói niềm thương cảm bằng những hình ảnh buồn bã - “cát vùi nông, gió bấc vào Nam/ chim di trú và người di thực” (Quê hương). Nhưng bây giờ, dõi theo cánh chim di trú khuất sau những tòa nhà nhấp nhô cao hun hút nhớ, se sắt thương… mà chợt ấm lên, không chỉ Cát Hải mà cả một vùng ven biển phía Đông Bình Định quê nhà đang đổi thịt thay da từng ngày, bọn trẻ bây giờ có thể tìm thấy nhiều cơ hội ngay giữa quê nhà từ khi chấm dứt cảnh “ba đèo bảy động”.
Mọi thứ bây giờ đã khác dù đàn chim vẫn bay đi tránh rét theo quy luật sinh tồn. Đàn con khôn lớn bén rễ trên quê hương để lan tỏa đi muôn nơi nhưng đường về nhà luôn là con đường ấm áp nhất.
ĐÀO MẠNH LONG