Tuy Phước cần những bước đi cụ thể để phát triển du lịch
Ở Bình Định, huyện Tuy Phước là địa phương có tiềm năng du lịch đa dạng. Vừa qua, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn ở xã Phước Quang được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy đến nay, Tuy Phước có 5 di sản văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, trong đó nổi bật là các tháp Champa - Bánh Ít, Bình Lâm, đây là nguồn du lịch văn hóa - lịch sử rất lớn.
Nói đến tiềm năng có thể khai thác vào du lịch còn có thể kể đến: Lễ hội Chợ Gò, Hội đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi, Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ; Tiểu chủng viện Làng Sông, nơi có 1 trong 3 nhà máy in chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam; đền thờ và nhà từ đường Hậu tổ Tuồng Đào Tấn; chùa Long Phước. Ngoài ra còn có thể kể đến khu sinh thái Cồn Chim, làng hoa Bình Lâm, Xuân Mỹ; nem chợ Huyện, bánh xèo Mỹ Cang...
Tháp Bánh Ít là một điểm đến nổi tiếng thu hút nhiều du khách của Tuy Phước. Ảnh: PHAN HIẾU
Đến thời điểm hiện nay, Tuy Phước đã ở vị trí rất thuận lợi để kết nối với sân bay Phù Cát và TP Quy Nhơn, là điểm tiếp giáp thuận lợi để mở tuyến du lịch lên Tây Sơn, ra An Nhơn. Giao thông thuận lợi đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho du lịch và gần đây một số cá nhân năng động đã đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch trải nghiệm thiên nhiên và thưởng thức đặc sản biển ở Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Nghĩa, Phước Hưng… Dù vậy do tự phát nên các cơ sở này chưa tạo được hệ thống dịch vụ bài bản để thu hút và giữ chân du khách. Và khách quan mà nhìn nhận, du lịch Tuy Phước kém phát triển so với tiềm năng, lợi thế của mình.
Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, chính quyền huyện Tuy Phước đã chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản của sự chậm trễ này, như: Chậm quy hoạch và xây dựng đề án phát triển du lịch trên địa bàn; chưa tác động để hình thành được các tour du lịch kết nối các điểm đến để khai thác các giá trị; chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để thu hút người đến... Từ đó huyện đã xây dựng Chương trình hành động Phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025 và xác định phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng trong xu hướng chuyển dịch cơ cầu kinh tế của huyện.
Dù vậy đến nay, Tuy Phước vẫn chưa có lộ trình phát triển du lịch cụ thể. Lộ trình này rất cần sự góp sức của các chuyên gia du lịch và kinh tế, đặc biệt là các DN du lịch. Phải đánh giá đúng tiềm lực, xây dựng được kế hoạch phát triển cụ thể thì mới có thể thu hút được du khách. Không thể kêu gọi một cách chung chung và chờ đợi DN đầu tư. Hơn thế nữa, để du lịch phát triển ổn định, bền vững cũng rất cần cộng đồng, người dân trong huyện ủng hộ và tích cực tham gia theo cách “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Mới đây, trên cơ sở đề nghị của huyện, Sở Du Lịch đã đồng ý với việc hình thành một số tour du lịch đến Tuy Phước và hỗ trợ huyện đầu tư xây dựng các tour này. Trước mắt, huyện sẽ khảo sát các điểm đến nổi bật hiện có, tiến hành đầu tư, tôn tạo các điểm này ngay trong năm 2023 để bước đầu thu hút khách du lịch đến với Tuy Phước. Hy vọng từ những điểm khởi động này, Tuy Phước sẽ phát huy được tiềm năng du lịch đa dạng của mình.
NGÔ HỒNG SƠN