“Việc nhẹ, lương cao” và bài học đắt giá
20 giờ ngày 23.9, ôm chặt cậu con trai trở về sau chuyến đi bão tố để làm “việc nhẹ, lương cao”, chị L.T.N (SN 1982, ở huyện Tuy Phước) đã khóc thật nhiều. Bởi chị từng rơi vào tuyệt vọng sau khi nhận tin nhắn cầu cứu con gửi về từ Campuchia.
Thực tế phũ phàng
Được đưa về Việt Nam lần này cùng với T. (SN 2005, con chị N.) còn có H. (SN 2002, quê tỉnh Lai Châu). T. và H. là bạn bè thân thiết suốt quãng thời gian ở Campuchia; cả hai cùng về Tuy Phước vì H. không có tiền mua vé xe về quê.
Cả hai đều được người quen giới thiệu vào Nam “làm việc nhẹ nhàng” trên máy tính với mức lương 20 - 30 triệu đồng/tháng; đều không nói với gia đình chuyện mình đi xa làm việc vì biết chắc sẽ không được ủng hộ. H. đã có vợ, vợ mới sinh con gái, mẹ H. mất năm ngoái, người cha bị tật ở chân phải đi chăn bò trên núi.
“Ý nghĩ dù phải chịu bao nhiêu khó khăn, vất vả cũng phải cố gắng làm được nhiều tiền để lo cho cả nhà thôi thúc mạnh mẽ trong tôi. Những lúc tuyệt vọng nhất, tôi chỉ biết khóc và nghĩ đến người bố chân bị tật mà phải dắt đàn bò lên núi mỗi ngày”, H. tâm sự.
Đại đức Thích Vạn Lực đón T. và H. tại Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Chi hội Sen Việt
Thực tế phũ phàng ở đất nước xa lạ khiến T. và H. bỏ trốn, nhưng lại bị phát hiện thông qua hệ thống camera dày đặc, bị đánh rồi chích điện cảnh cáo. 4 tháng bị lừa sang Campuchia, H. bị “chuyển nhượng” đến 3 chỗ làm; mỗi lần vậy, chủ cũ nhận được một khoản tiền khá lớn, còn người làm bị khống chế lên xe, di chuyển đến chỗ làm mới, lại sống trong một khu vực khép kín, làm không đủ chỉ tiêu thì bị lôi lên phòng riêng, đánh đập, chích điện. Hợp đồng lao động đều bằng miệng, nghe nói 6 tháng thì biết phải làm trong 6 tháng. Suốt thời gian này, nếu xin nghỉ thì bị tính cả chục khoản phí lên đến cả trăm triệu đồng phải trả.
Ngày 24.9, CA huyện Tuy Phước đã mời nạn nhân T. lên làm việc nhằm xác minh, làm rõ sự việc, hành trình cũng như các cá nhân liên quan. Đồng thời, CA huyện cũng tiến hành tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn, nhất là các thanh thiếu niên đang trong độ tuổi lao động, công việc không ổn định cần thận trọng, cảnh giác trước bẫy “việc nhẹ, lương cao” để không trở thành nạn nhân tiếp theo. CA tỉnh cũng đã tiến hành rà soát, nắm bắt; phối hợp với các cơ quan liên quan để có phương án giải thoát cho các nạn nhân cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước những chiêu thức của loại tội phạm này.
Đêm rằm tháng Tám vừa rồi, cả phòng đột ngột nhận lệnh tập trung, T. nghĩ bụng chắc được phát bánh trung thu như lúc ở nhà (?!); nhưng sự thật là do nghi trong phòng có người sử dụng ma túy nên cả phòng đã bị trừng phạt. Không chịu nổi áp lực, T. liều gửi tin nhắn qua mạng cho mẹ và may mắn chị N. đã nhận được.
“Đang quá hoang mang thì con bảo bị lừa sang Campuchia, cầu cứu mẹ tìm cách đón về. Tôi đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan CA và một số cơ quan liên quan nhờ giúp đỡ. Nghe con kể lại bên đó đang có đợt truy quét nên họ thả người, chứ bình thường thì phải chuộc tiền rất cao mà chưa chắc con đã về được. Tôi đã nhờ đại đức Thích Vạn Lực (chùa Dương Sơn, thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) thay mình đi đón con về”, chị N. trò chuyện.
Ấm áp tình người
Đến chùa Dương Sơn sáng 24.9, ngoài chị N., T., H., còn có thêm Th. (SN 2005, quê một tỉnh ở miền Bắc), cũng đang trên đường vào Nam nhận “việc nhẹ, lương cao”. Do bên tuyển dụng (liên lạc qua điện thoại) quá mập mờ, Th. đã bỏ trốn khỏi chuyến xe thường khóa trái cửa nhốt Th. và 1 thanh niên tìm việc khác trên xe mỗi khi xe dừng tại trạm. Th. tình cờ chạy vào nhà một thành viên của Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Sen Việt, thành viên này dẫn Th. đến gặp thầy Lực. Sau khi nghe T. và H. kể mọi chuyện đã xảy ra, Th. nhận thấy có rất nhiều điều tương đồng.
Đại đức Thích Vạn Lực trao hỗ trợ để H. và Th. làm lộ phí về quê. Ảnh: Chi hội Sen Việt
“Lúc họ đón đi, mình mà càng gặng hỏi, càng tỏ ra nghi ngờ, họ càng áp chế. Tôi nghe nói đến tỉnh Bình Định rồi nên bỏ chạy cầu may, không ngờ lại được giúp đỡ nhiệt tình như vậy. Đại đức Thích Vạn Lực đã mua vé máy bay cho tôi, mua vé xe cho anh H. (vì H. không còn giấy tờ tùy thân nào) và hỗ trợ mỗi người 5 triệu đồng để chúng tôi về quê”, Th. cho biết.
Hỏi các bạn trẻ cảm thấy thế nào khi về Việt Nam, về nhà, các em bảo “mừng không nói nên lời”. Bởi, bây giờ đã được sống mà không phải lo lắng, thấp thỏm từng phút giây; giấc ngủ không lúc nào ngon bởi phải suy nghĩ cách làm sao ngày mai kéo được khách, cho đủ chỉ tiêu để không bị đánh.
Lúc nhận tin được về Việt Nam, T. và H. đã cười đùa thật thoải mái; trên chuyến xe về nhà còn hát thật to. Với họ, những gì phải trải qua đã để lại bài học đáng nhớ suốt quãng đời còn lại. Rằng, không bao giờ có cái gọi là “việc nhẹ mà lương cao”, chỉ có cạm bẫy và đòn roi. Và, để có được tự do, đôi khi phải trả giá bằng cả mạng sống.
NGỌC TÚ - KIỀU ANH