U hương
* Truyện ngắn của YÊN HÀ
Không phải mùi của người già, cũng không phải là mùi khét nắng của trẻ con, Trải gọi đó là u hương, một thứ hương thơm điềm mật và có chút gì đó tủi tủi.
Cái mùi hương ấy tỏa ra từ vạt áo của người thiếu phụ có những lọn tóc mai phất phơ trên gò má của gương mặt trái đào ửng chín. Trải chú ý đến nàng vì lỡ nhìn thấy chiếc cúc trên cùng của chiếc sơ mi trắng nàng bận bị cài lệch. Khoảng trắng mịn của chiếc cần cổ và xương quai xanh thanh tân tương phản với gương mặt có những vệt nám mủi lòng. Chỉ những tiểu thư con nhà nòi mới có vùng cổ quý phái ấy, Trải đã nghĩ thế từ thời bà ngoại còn sống. Ngoài những người thân trong gia đình, ít ai biết xuất thân lá ngọc cành vàng của bà. Lấy ông ngoại, một ông giáo trường làng, bà chấp nhận thân phận bà giáo nghèo, quanh năm tần tảo với đồng bãi, vậy mà nét đẹp thời son sắc thế gia vẫn còn phảng phất đến tận lúc về già.
Mà sao Trải lại chú ý đến người thiếu phụ ấy làm gì? Nàng là vợ hay chỉ là người tình của một thằng buôn lậu bặm trợn, cái tiểu sử Trải nghe bà hàng nước tỉ tê. Ra khỏi phòng tạm giam, sau khi đá mấy lon nước ngọt vướng chân kêu lanh canh, hắn chống tay lên cánh cổng sắt, nhìn thiếu phụ và Trải, lúc này đang ngồi trên con xe chờ khách. Rồi hắn phẩy tay qua má thiếu phụ như một cái tát nhẹ: “Cài lại cái cúc áo. Ăn với mặc”. Nàng cúi xuống, cười ngượng nghịu, chưa kịp định thần, hắn đã giằng lấy hàng khuy áo, đôi bàn tay xù xì cẩn thận cài đúng thứ tự khuy cúc. Ngắm nghía thấy đã yên tâm, hắn quàng tay qua vai nàng, khủy tay còn vòng thành một đường qua cổ. Họ sóng bước như những người tản bộ vô lo, như hắn chưa từng vào trại tạm giam và nàng thì chưa thấp thỏm đến mức cài lệch cả hàng cúc áo.
“Đẹp người, giỏi giang lại đi yêu thương cái thằng buôn lậu mặt sắt. Đến là khổ”, bóng nàng và hắn vừa đi khỏi, bà hàng thở dài không giấu diếm. Nhìn gương mặt tò mò sinh động của Trải nhìn mình như chờ đợi, bà chép miệng rồi liến thoắng “Đứa con gái là người cùng ngõ ở cái làng ngoại thành quê ngoại tôi đấy. Có lẽ nó không nhận ra tôi (từ nhỏ tới lớn như công chúa cấm cung) nhưng tôi thì rõ nó lắm, nó sống bằng nghề đan áo len đấy chú ạ. Cái nghề rõ là khuê các mà lại đi sống không hôn thú với một thằng buôn lậu. Là tôi còn cảm thấy không đành, nói gì đến bố mẹ nó. Vậy mà cái nhà đến là tài. Không to tiếng, cãi vã, mắng nhiếc gì, cứ lặng như tờ. Ông bố, bà mẹ vẫn đúng giờ đến cơ quan, đi đứng, nói năng nhỏ nhẹ, rồi cùng nghỉ hưu, rồi dắt nhau, dắt cả thằng em út sang Mỹ định cư. Con bé thì theo hẳn thằng buôn lậu. Căn nhà cũng không bán đi, cứ cửa đóng then cài hàng năm, con bé cũng không đáo qua quét dọn lấy một lần. Chúng tôi đồ rằng nó không phải con của ông bà ấy thật”.
****
Sau lần ấy, Trải không có dịp chạy xe ôm ở gần nơi hắn đã gặp nàng. Nói đúng hơn là hắn bỏ hẳn cái nghề xe ôm bữa đực bữa cái có vẻ không phù hợp với tính cách thương người đến khờ khạo của hắn. Ai đời cứ thấy ai trông lầm lũi, khốn khổ là hắn chạy xe không công hoặc nhận công lấy lệ. Vậy là bị hiểu nhầm, vừa bị hội xe ôm tẩy chay vừa thu nhập chẳng bao nhiêu. Thằng bạn thân rủ rỉ: “Nghe nói mày thuộc đường Bàn Cờ như lòng bàn tay? Hay lên đó làm nghề dẫn đường?”. Nghề dẫn đường, nghe cũng có màu. Vậy là Trải giong thẳng xe lên Bàn Cờ. Tối đầu tiên, Trải mới ngớ ra không biết mình sẽ tá túc ở đâu trong những ngày tiếp sau thì thằng bạn quý hóa dẫn vào một quán lá giải khát. “Mày ở đây nhé. Trông thế này nhưng phía sau rộng lắm”, rồi nó cất tiếng gọi ngọt như mía lùi: “Khả ơi!”.
Trải ngồi ngay đơ khi người có tên Khả ấy xuất hiện. Chính là nàng. Những vệt nám mờ hơn và chiếc sơ mi hoa xanh lơ lộ ngần cổ và xương quai xanh mềm mại. “Em ở cùng em gái, mới 6 tuổi đầu, nó loanh quanh đâu đó thôi. Nguyên ơi!”, nàng cất tiếng gọi vừa như để phá tan sự ngại ngùng.
Ở Bàn Cờ ngoài hàng giải khát của nàng ra không có thêm một bà hàng nước thứ hai để kể chuyện vòng vo giải sầu. Với tính cách của mình, Trải quen ngay với công việc dẫn khách. Khách là những người thích thăm thú thiên nhiên rừng già nổi tiếng nhiều hoa thơm cỏ quý, suối nước, cây lưu niên mà Trải biết mặt biết tên và có thể thuyết minh vanh vách nhờ những ngày bỏ nhà theo một thằng bạn trời đánh kiếm ăn nhờ của rừng, mùa nào thức nấy. Qua núi là vịnh biển, nơi Trải có thể chèo thuyền chở những ai muốn qua bờ cát bên kia biên giới nước bạn rồi đón lại vào những ngày giờ đã hẹn trước.
Trải ít khi dậy sớm nhưng từ khi về dưới mái nhà này, hắn thường bất chợt tỉnh dậy vào lúc tinh sương nhưng vẫn nằm yên trên giường, ngóng bước chân nàng nhẹ nhàng ra vườn bẻ chè, đun nước. Lần nào cũng vậy, ngang qua cánh cửa sổ hắn cố tình he hé, bằng cả hai cánh tay nàng khẽ khàng khép lại, đáng lẽ nên nhắc nhở Trải, vậy mà nàng không nói gì. Một khuya, Trải vừa mới đặt mình chợt nghe bước chân vấp váp chạy ra giếng, rồi một cú ngã dúi dụi làm hắn bật dậy, xô cửa chạy ra. Nàng ngồi xoài trên sàn giếng, cúi mặt nín thinh. Lúc hắn chạy đến, nắm hờ lấy tay áo len lửng ướt đẫm mới biết nàng đang khóc. Rồi không cần Trải hỏi han, nàng nghẹn ngào nói như hắn biết rõ tất cả: “Em nghe người ta bảo anh ấy bị thương nặng lắm. Còn bị bắt, giam giữ biệt lập, sắp đem ra xử nữa. Anh về dưới đó đi, đừng dẫn khách đi nữa, coi chừng bị bắt”. “Tôi có làm gì phạm pháp đâu?”, Trải nhăn nhó. “Có đấy, toàn dân buôn lậu, quân và người làm ăn của anh ấy thuê anh dẫn đường đấy”, nàng nói, mắt cụp xuống. Hơi bất ngờ nhưng không chút sợ hãi, Trải ôn tồn: “Vậy cô cùng về thành phố với tôi đi. Ít ra ở dưới đấy cô vẫn còn một mái nhà tá túc”. Nàng ngước đôi mắt còn vương giọt nước mắt nhìn hắn, khóe miệng trễ xuống: “Anh là ai? Không phải là người bố mẹ nuôi tôi thuê để giám sát tôi đấy chứ? Tôi nói cho anh biết, họ cũng chỉ là những người có bổn phận nuôi nấng tôi lớn lên vì lời hứa với bố mẹ đẻ đã khuất của tôi thôi, bù lại họ có một căn nhà để ở, một công việc để tự hào và bây giờ còn ra nước ngoài định cư nữa. Hay họ sợ tôi đòi lại căn nhà đứng tên tôi ở phố. Không, tôi không cần gì cả”. Trải nhìn nàng hồi lâu, khẽ lắc đầu: “Em yên tâm. Tôi không đáng ngại gì, chỉ tình cờ biết em thôi. Nhưng cho tôi hỏi một câu, vì sao em cứ phải hi sinh cho một người không xứng với em như vậy?”. Mắt vẫn ướt nước, Khả mỉm cười, khẽ lắc đầu: “Anh chẳng hiểu gì cả”. Nàng vào nhà rồi mà Trải còn ngồi thinh lặng trên bờ giếng, lặng nghe u hương còn váng vất không rời.
Mờ sáng, lúc Trải đang ôm gối hóng bước chân nàng thì nghe tiếng đẩy cửa, tiếng bước chân dồn dập chạy với theo, rồi dường như nàng nhào vào một vòng tay, thổn thức. “Thôi! Dẹp tiệm. Đi với anh”, không nhìn thấy gì nhưng Trải cứ quả quyết chính là hắn, tên buôn lậu bặm trợn. “Còn con Nguyên?”, giọng nàng thảng thốt. “Anh gửi thằng đàn em đưa về thành phố, rồi mình tìm cách đưa sang sau vậy”, hắn đáp. “Không được. Em làm sao đi nổi nếu…”, nàng nức nở. “Em phải đi”, Trải nghe hắn dằn giọng, cùng với cái xiết tay mạnh bạo và giận dữ, Trải đoán thế vì nghe tiếng nàng khẽ rên. Rồi nàng chì chiết: “Anh tệ lắm! Anh đi mà tìm kiếm sự tự do nửa mùa của anh đi. Tôi không đi đâu mà không có con Nguyên. Tôi đang tự hỏi, anh có phải là cha của nó hay không hay tôi đã chọn nhầm”. Khả chạy vào phòng đóng sập cửa lại. Trải biết hắn vẫn ngồi tựa vào vách, ngửi được cả mùi thuốc lá hắn châm hút, nghe đâu như cả tiếng khóc khan rung cả đôi vai như vai gấu của hắn.
Gã buôn lậu bặm trợn ấy, hắn rời xa quán nhỏ của Khả ngay trong đêm hôm ấy. Còn Trải, Khả và con bé, ngay ngày hôm sau, thu dọn đồ đạc cần thiết, đi bộ một quãng đường dài đón ô tô về thành phố. Trải đưa hai mẹ con về căn nhà ở ngoại thành mà bố mẹ nàng để lại. Nhìn thấy nàng xăm xắn dọn dẹp, hắn thấy như được vỗ về. Vậy mà hắn chỉ đáo qua nhà thắp hương cho bà ngoại chừng nửa buổi, quay lại đã thấy cổng khóa trái. Bà lão hàng xóm dè dặt nhìn Trải: “Anh là Trải phải không? Cô Khả đi rồi, có gửi cái này cho anh”. Trải giở cái bọc gói bằng một chiếc khăn mùi xoa ra. Bên trong là lá thư viết vội bằng nửa trang giấy, ở giữa là một cọc tiền loại mệnh giá lớn, dưới đáy hộp có mấy bức ảnh đen trắng chụp ba người, có lẽ là một gia đình có bố, mẹ và chỉ nhìn vào cô bé, Trải đã nhận ra đó chính là nàng. Những tấm ảnh được buộc bằng len sợi, ở giữa kết một bông hoa len đỏ thắm. Thư nàng viết: “Anh Trải giữ hộ em mấy tấm ảnh kỷ niệm với bố mẹ thực sự đã sinh ra em. Tiền anh cứ lấy mà tiêu tùy ý, mẹ con em không thiếu thốn gì đâu. Em với bé Nguyên phải lánh đi một thời gian. Rồi tự hắn sẽ tìm và rước mẹ con em sang bên đó thôi, hắn từng vì em mà chết hụt mấy lần mà. Em tin thế”. Xem ý tứ câu chữ của Khả, Trải biết rằng nàng vẫn còn một miền hồn nhiên, trong sáng để nuôi hi vọng, đợi chờ, khởi nguồn của hạnh phúc. Ấp lá thư và bông hoa len lên mặt, Trải nhắm mắt mỉm cười trong thứ u hương thuần khiết thoang thoảng đến vạt áo hôm nào, gợi nhớ đến chiếc cần cổ và xương quai xanh thanh tân, gương mặt trái đào ửng chín với những vệt nám xa xăm mủi lòng.
Y.H