Bão Noru đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung từ Huế đến Bình Định
(BĐ) - Chiều 25.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) chủ trì họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và tỉnh Kon Tum về ứng phó bão Noru. Tại điểm cầu Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cùng chủ trì hội nghị
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT, siêu bão Noru đổ bộ vào Biển Đông đêm 25.9, tiếp tục di chuyển về phía đất liền các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế tới Bình Định với cường độ mạnh, giật trên cấp 17. Dự báo ngày 27.9, tâm bão đổ bộ vào 4 tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, mức độ thiên tai dự báo cấp 4.
Sau khi nghe đánh giá về siêu bão Noru, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương phải kích hoạt kịch bản ứng phó với thiên tai cấp 4, trong đó phải chú trọng đến sơ tán dân. Đảm bảo an toàn cho người dân trong mọi tình huống. Tính toán để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển, phải di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, chứ không phải tập trung chạy hết vào bờ; xem xét cấm biển, cấm hết các hoạt động trên biển, không cho tàu thuyền ra khởi, căn cứ vào thực tế cấm trước 24 giờ đồng hồ; xem xét cấm quốc lộ và đường sắt nguy cơ ngập lụt ở 4 tỉnh ở cấp độ thiên tai cấp 4; cấm người dân ra đường, cho học sinh nghỉ học trong ngày mưa bão. Đồng thời, phải chuẩn bị tốt phương án 4 tại chỗ, trong đó chú trọng lực lượng tại chỗ, lương thực, thực phẩm tại chỗ để chuẩn bị cho tình huống chia cắt. Và từ chiều 26.9, các địa phương phải cử lực lượng ứng trực 24/24 giờ.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo: “Bão Noru là cơn bão lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, có tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh, dự báo giật tới cấp 17. Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác. Tôi yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành và địa phương một số vấn đề như sau: Thứ nhất là chú trọng công tác dự báo, các đơn vị trực 24/24, tham khảo dự báo từ các cơ quan dự báo quốc tế để dự báo chính xác, kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp; Ban chỉ đạo về PCTT, Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các địa phương tập trung cao để chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể, tổng thể. Sau cuộc họp này, Ban chỉ đạo quốc gia thành lập các đoàn công tác của Chính phủ, bộ ngành tăng cường về kiểm tra thực tế phối hợp với các địa phương, đến trưa 26.9 hoàn tất Ban chỉ đạo tiền phương, xây dựng kế hoạch vào vùng tâm bão.
Về phía các địa phương, thống nhất cấm biển ở các địa phương từ ngày 26.9; kiểm tra tàu đang hoạt động trên biển, rà soát kêu gọi tàu vào tránh trú đảm bảo an toàn; kiểm tra tình hình người dân ở nhà cấp 3, cấp 4 nguy cơ cao nên phải có phương án sơ tán trước. Trong ngày 25 - 26.9 phải khảo sát, tính toán phương án, thời điểm di chuyển bà con đến nơi an toàn. Học sinh ở các vùng nguy hiểm cho nghỉ học. Đồng thời, các địa phương phải hướng dẫn người dân thu hoạch sớm, đỡ thiệt hại. Đê điều, hồ chứa phải rà soát, kiểm tra, gia cố. Các địa phương thành lập ban chỉ đạo; chuẩn bị đủ lương thực, nhu yếu phẩm nếu bị chia cắt trong, sau bão. Chú trọng hết sức tuyên truyền, vận động, thông tin truyền thông nhanh, kịp thời”.
Sau cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia, UBND tỉnh tổ chức họp trực tuyến với các địa phương triển khai phương án ứng phó với bão Noru. Báo Bình Định tiếp tục thông tin về vấn đề này.
THU DỊU