Cần quyết liệt hơn!
Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XI vừa kết thúc hôm 10.7 vừa qua, vấn đề thuốc bảo vệ thực vật giả bán tràn lan trên thị trường, nhất là ở các chợ nông thôn, đã được đại biểu chất vấn. Trước đó, cách đây chưa lâu một hội nghị chuyên đề của ngành chức năng cũng đã cung cấp nhiều thông tin cho thấy vấn nạn phân bón giả cũng là vấn đề “nổi cộm” đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó có Bình Định.
Có thể nói, đây là vấn đề nghiêm trọng có tính chất phá hoại sản xuất, không chỉ khiến cho bà con nông dân lo lắng, bất an mà còn là vấn đề nhức nhối của xã hội trong một thời gian dài đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Theo các cơ quan chức năng, vi phạm về phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Các vụ vi phạm không chỉ nhỏ lẻ mà còn có những vụ vi phạm lớn, liên quan đến nhiều địa bàn, gây thiệt hại cho nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, gây tổn thất nặng nề cho bà con nông dân. Trong quá trình sản xuất, nông dân luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh lại thêm tình trạng thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật “thật giả lẫn lộn” khiến nhà nông lo lắng nhiều hơn. Ngoài thiệt hại trước mắt về kinh tế do năng suất thấp hoặc bị mất trắng mùa vụ thu hoạch, nguy hại hơn là môi trường, đất sản xuất còn bị ảnh hưởng và tác động tiêu cực lâu dài.
Mặc dù trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm như sản xuất, bán ra thị trường các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Theo các cơ quan chức năng lý giải, tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng xảy ra tràn lan nhiều năm qua với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn là do các quy định cũng như chế tài xử lý của pháp luật hiện hành còn bất cập và chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm.
Mới đây, ngành chức năng ở Bình Định đã triển khai thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ đầu năm 2014. Có thể nói, đây là cơ sở để khắc phục một phần về sự bất cập và hạn chế của biện pháp chế tài vi phạm của các quy định của pháp luật như đã nói ở trên. Đây cũng chính là công cụ để các cơ quan chức năng mạnh tay xử phạt vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách tích cực và mạnh mẽ để xử lý kiên quyết vi phạm thì mới ngăn chặn được vấn nạn này nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân.
HẢI ĐĂNG