Bình Định tập trung tối đa nguồn lực ứng phó với bão Noru
(BĐ) - Chiều 25.9, sau khi họp trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND Lâm Hải Giang họp trực tuyến với các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão Noru.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, đối với bão Noru có 2 vấn đề cấp bách đó là kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão và sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm. Tình hình hồ chứa, hệ thống đê kè, đập thủy lợi về cơ bản không lo ngại nhiều. Hiện, qua kiểm đếm có 100 tàu cá của Bình Định đang ở vùng nguy hiểm. Ngành chức năng liên lạc với chủ tàu, gia đình tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương đã chủ động triển khai phương án, đồng thời theo dõi kỹ diễn biến, dự báo bão để thông tin kịp thời tới người dân. Rà soát và khẩn trương hoàn thiện phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân và kéo giảm thiệt hại về tài sản.
Quang cảnh họp trực tuyến triển khai ứng phó với bão Noru chiều 25.9.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Bình Định là một trong 4 địa phương ở vùng tâm bão, cảnh báo mức độ thiên tai cấp 4. Chúng ta mới có các phương án di dời dân ở trong điều kiện thiên tai bình thường, do vậy hết sức lưu ý trong tình huống xấu hơn phải có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, ngoài việc di dời dân ở các khu vực nguy hiểm, chúng ta phải rà soát các khu du lịch ven biển, phải thông tin kịp thời, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có phương án ứng phó và di dời khách du lịch đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo kích hoạt phương án ứng phó với thiên tai cấp độ 4 đối với bão Noru.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo, ngay sau cuộc họp này, toàn tỉnh dừng các cuộc họp không cần thiết, tập trung cho công tác ứng phó với bão Noru; kích hoạt phương án ứng phó thiên tai cấp độ 4. Hoài Nhơn hiện là địa phương có nhiều tàu cá trong vùng nguy hiểm, do vậy chính quyền các cấp của thị xã phải khẩn trương thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền di chuyển đến các nơi an toàn. TP Quy Nhơn lưu ý tới các khu du lịch ven biển, các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Các địa phương khẩn trương rà soát phương án di dời dân, phải có phương án cụ thể cho trường hợp thiên tai ở cấp độ 4, rà soát toàn bộ nhà cấp 3, cấp 4 nguy cơ cao để tiến hành phương án di dời phù hợp. Thống nhất phương án cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt từ 6 giờ ngày 26.9; ngành GD&ĐT xem xét tình hình cho học sinh nghỉ học trong thời gian mưa bão; ngành Y tế chuẩn bị các vật phẩm, thuốc men phục vụ sau mưa bão; các ngành liên quan, các địa phương phải chủ động phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong tình hình bị chia cắt. Kích hoạt hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền liên tục, đưa thông tin về cơn bão Noru.
Đoàn công tác của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh kiểm tra Hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn). Ảnh: THU DỊU
Ngay sau buổi họp, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, phối hợp với các địa phương để chủ động công tác ứng phó với bão Noru.
THU DỊU