Bệnh cúm mùa
Thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Bệnh cúm mùa có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C.
Bệnh cúm dễ lây nhiễm qua đường hô hấp khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Vi rút vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Bệnh cúm mùa thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng, chống cúm mùa, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực nâng cao sức khỏe.
Tiêm vắc xin cúm mùa mỗi năm để tăng cường miễn dịch phòng, chống cúm. Vắc xin cung cấp sự bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh cúm mùa do các chủng có trong vắc xin gây ra và bắt đầu có hiệu quả từ 10 - 14 ngày sau khi tiêm vắc xin. Các chủng vi rút gây cúm mùa mỗi năm thường không giống nhau và vì vậy nên tiêm ngừa vắc xin cúm mùa hằng năm, bởi vắc xin cúm mùa năm sau thường cập nhật các chủng gây bệnh của năm trước đó.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết, sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút mà nên theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)