Dinh dưỡng cho trẻ: Không nên thiếu cũng không nên thừa
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Cùng với đó, giai đoạn thời tiết chuyển mùa là cơ hội thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn có hại phát triển, trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu rất dễ mắc bệnh. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên chú ý cung cấp dinh dưỡng hợp lý để trẻ phát triển khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng.
Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam có đến 60% trẻ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, gây nên suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng. Lý do vì người nhà không có kiến thức đầy đủ để cung cấp năng lượng dinh dưỡng; cho trẻ ăn dặm quá sớm, cho ăn dặm không đúng cách; trẻ bị các bệnh lý bẩm sinh gây khó khăn trong ăn uống; trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng kéo dài.
Cân, đo trẻ tại Trạm Y tế phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn. Ảnh: T. YÊN
Theo bác sĩ Nguyễn Mai Ngọc Trâm, Khoa Nhi, TTYT TP Quy Nhơn, dinh dưỡng rất quan trọng với cả trẻ em lẫn người lớn và đặc biệt hơn là trẻ em giai đoạn dưới 5 tuổi và giai đoạn dậy thì. Với trẻ dưới 5 tuổi, dinh dưỡng đóng vai trò tiên quyết trong việc phát triển thể chất, tâm thần và vận động. Đối với trẻ bị thiếu năng lượng, trẻ không thể vận động, chơi đùa tốt thì dẫn đến sau này tầm vóc, trí lực của trẻ bị giảm sút. Còn đối với trẻ thừa năng lượng như bị béo phì thì có nguy cơ về các bệnh lý sau này như: Tim mạch, tăng huyết áp, suy tim, các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, tăng cholesterol máu, cùng với đó là nguy cơ béo phì tiếp diễn khi lớn.
Bác sĩ Nguyễn Mai Ngọc Trâm cho biết thêm: Dinh dưỡng phân thành 2 nhóm, dưới 6 tháng tuổi và trên 6 tháng tuổi. Đối với dưới 6 tháng tuổi, Tổ chức Y tế thế giới luôn khuyến cáo, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Do vậy, dưới 6 tháng tuổi, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn nếu đủ điều kiện. Sau 6 tháng tuổi, chúng ta mới bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Khi đó chúng ta phải xây dựng được thực đơn dinh dưỡng hợp lý. Tức là thực đơn đầy đủ nhóm chất cần thiết cho cơ thể như chất béo, chất đạm, đường, khoáng chất, vitamin và các yếu tố vi lượng khác. Hơn nữa, thực đơn phải đa dạng, thay đổi hằng ngày để trẻ hứng thú với việc ăn uống, giúp trẻ tiêu hóa và hấp thu tốt. Đồng thời thực đơn còn phải phù hợp theo mùa.
Bên cạnh việc giúp trẻ phát triển tốt, dinh dưỡng hợp lý còn giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, phòng, chống bệnh. Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, cho biết: Thời tiết chuyển mùa, trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa và một số bệnh khác. Bên cạnh việc vệ sinh, giữ ấm, ăn chín uống sôi, việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý là vô cùng quan trọng. Phải cung cấp đầy đủ các nhóm chất để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã giảm đáng kể. Nhiều người mẹ đã có kiến thức và cách thức chăm sóc trẻ theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Chị Trương Thị Trúc Vy, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, mẹ bé Trần Minh Tâm (10 tháng tuổi) chia sẻ: Các bác sĩ vẫn khuyến cáo sữa mẹ rất tốt cho trẻ nhỏ nên tôi chú trọng thực hiện cho con bú sữa mẹ theo hướng dẫn. Đến độ tuổi trẻ có thể ăn dặm, tôi cho con ăn thêm một số loại hải sản và sữa dặm phù hợp.
Bà Lê Thị Minh Ánh, Phó trưởng Trạm Y tế phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, cho biết: Cũng như các trạm y tế khác, chúng tôi triển khai công tác tiêm chủng cho trẻ định kỳ theo quy định. Cùng đó, Trạm kết hợp cân đo, phát hiện trẻ suy dinh dưỡng, béo phì để tư vấn dinh dưỡng cho phụ huynh kịp thời.
Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với TTYT các huyện, thị xã, thành phố và trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện hoạt động điều tra tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đợt điều tra này, có khoảng 1.530 trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo tại 30 cụm. Đồng thời, phỏng vấn tất cả bà mẹ của trẻ về nuôi con bằng sữa mẹ; về kiến thức và thực hành nuôi dưỡng trẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, thức ăn bổ sung; độ bao phủ Vitamin A, tình hình bệnh của trẻ, tình trạng tử vong của trẻ em, an ninh thực phẩm…
THẢO YÊN