Hướng đến Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V – Bình Định 2014:
Các võ đường tích cực tập luyện
Hướng đến Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V – Bình Định 2014 tổ chức vào đầu tháng 8 tới, không khí tập luyện ở một số võ đường võ cổ truyền trong tỉnh đang hết sức khẩn trương.
Văn ôn, võ luyện
Tại Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V – Bình Định 2014 sắp đến, có 6 võ đường ở thị xã An Nhơn và các huyện Tây Sơn, Tuy Phước được Ban tổ chức Liên hoan giao trọng trách đón tiếp các đoàn võ thuật về giao lưu. Chiều tối 11.7, tìm đến một số võ đường chuẩn bị giao lưu, điểm chung dễ nhận thấy là các võ sinh lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn hăng say luyện tập. Nắng chiều oi bức khoảng sân nhỏ của võ đường Phi Long Vịnh (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), nhưng lão võ sư 80 tuổi vẫn liên tục tung ra những đường quyền đầy uy lực để thị phạm cho học trò tập luyện. “Đón tiếp các đoàn võ thuật về giao lưu ngoài niềm vinh dự, còn là trách nhiệm của võ đường trong việc quảng bá võ cổ truyền Bình Định. Tôi cùng học trò luyện tập liên tục trong nhiều ngày qua để đảm bảo chất lượng các tiết mục giao lưu”, lão võ sư Phi Long Vịnh tâm sự.
Tại nơi truyền dạy của võ đường Lê Xuân Cảnh là khoảng sân đất rộng của trụ sở khu vực Cẩm Văn (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn), hơn 50 võ sinh đang tập luyện dưới sự giám sát kỹ của võ sư Lê Xuân Cảnh và một số học trò giỏi để kịp thời chỉnh sửa những võ sinh có động tác chưa chuẩn. Anh Trần Thanh Thông (27 tuổi), học trò võ sư Lê Xuân Cảnh, bộc bạch: “Ba lần được tham gia giao lưu với các đoàn võ thuật tại các kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, quả thật mở mang tầm mắt khi thưởng thức tinh hoa của nhiều môn phái. Từ đầu tháng 7 đến nay, tôi đến phụ giúp thầy trong việc chỉ dạy các võ sinh tích cực tập luyện. Hằng ngày thường luyện tập vào các buổi chiều tối, nhưng đối với những tiết mục giao lưu nào mà học trò đánh chưa ổn, thầy còn cho tăng cường tập nhiều hơn vào buổi sáng”.
Đến võ đường Lý Xuân Hỷ (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) vào đầu giờ tối, vẫn còn đông võ sinh tập luyện. Khoảng sân rộng phía sau vườn nhà võ sư Lý Xuân Hỷ, được chia ra một bên là các võ sinh đang luyện tập quyền và binh khí, một bên là các võ sinh tập đánh đối kháng. Võ sư Lý Xuân Hỷ cho biết: “Từ một tháng qua, có hàng trăm võ sinh thường xuyên luyện tập mỗi ngày. Ngoài nhiều học trò là VĐV có thành tích cao tại các giải võ cổ truyền làm nòng cốt, tôi đã tuyển chọn thêm một số em có tố chất tốt để kèm cặp tham gia biểu diễn giao lưu sắp đến…”.
Mong muốn tạo ấn tượng đẹp
Các võ đường đều đã cố gắng xây dựng chương trình biểu diễn có “điểm nhấn” làm nổi bật bản sắc của võ đường nói riêng và võ cổ truyền Bình Định nói chung. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm CLB võ thuật chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), cho biết: “Khác với những lần trước, lực lượng chính biểu diễn trong chương trình giao lưu liên hoan sắp đến sẽ là các đệ tử đang tu hành ở chùa, có trình độ võ thuật tốt nhờ kiên trì rèn luyện nhiều năm. Qua đó, sẽ làm nổi bật hơn những nét độc đáo riêng của phái “võ chùa” ở Bình Định”.
Võ đường Lê Xuân Cảnh sẽ xây dựng chương trình giao lưu có sự sắp xếp hợp lý giữa các tiết mục theo hướng ưu tiên cho các đoàn bạn biểu diễn, còn võ đường chủ nhà chỉ xen kẽ biểu diễn các tiết mục binh khí, quyền, đối luyện đặc sắc. “Trong chương trình biểu diễn của võ đường sẽ có tiết mục đồng diễn của các võ sinh 9 tuổi, nhằm nhấn mạnh sự tiếp nối truyền thống đam mê võ cổ truyền của người dân Bình Định. Tôi cũng sẽ nhờ học trò cũ hiện đang là giáo viên dạy Anh văn đảm nhiệm vai trò làm MC giới thiệu những nét đặc sắc trong các tiết mục biểu diễn, giúp cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn…”, võ sư Lê Xuân Cảnh dự tính.
Đối với võ đường Lý Xuân Hỷ, ngoài chuẩn bị các tiết mục biểu diễn ấn tượng, thì việc lựa chọn quà tặng riêng cho các đoàn cũng được lưu tâm. Võ sư Lý Xuân Hỷ tâm sự: “Xuất phát từ việc thấy nhiều đoàn quốc tế sử dụng côn bằng chất liệu nhựa đặc do Trung Quốc sản xuất, năm nay, võ đường dự định sẽ tặng quà riêng cho mỗi đoàn về giao lưu một bộ côn gỗ đẹp, bền chắc do chính học trò của tôi là thợ có tay nghề cao làm ra. Điều này cũng như ngầm nói rằng quê hương Bình Định, đất nước Việt Nam có truyền thống luyện tập võ thuật hào hùng không thua gì Trung Quốc”.
UBND tỉnh, Ban tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V – Bình Định 2014 cũng đã, đang và sẽ có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị phục vụ biểu diễn cho các võ đường. Điều này góp phần động viên các võ đường nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong các khâu chuẩn bị, để có thể tạo được ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè võ thuật trong nước và quốc tế tìm về giao lưu.
Hoài Thu