Chủ động ứng phó thiên tai phức tạp
Theo Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong tháng 10 - 11.2022, khu vực tỉnh dự báo có lượng mưa cao hơn trung bình các năm trước, cảnh báo nguy cơ cao mưa lớn dồn dập. Việc xảy ra lũ lụt, sạt lở càng khó lường, công tác ứng phó cần chủ động hơn.
Nỗi lo sạt lở khó lường
Theo báo cáo số 112/BC-BCH ngày 15.1.2021 của Bộ CHQS tỉnh, toàn tỉnh có 12 khu vực nguy cơ sạt lở đất đá cao; 16 khu vực nguy cơ sạt lở thấp. Trong các khu vực nguy cơ sạt lở cao có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư, mới chỉ có những hộ dân ở núi Gành (thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) di dời đến khu tái định cư.
Các hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở cao núi Gành đã chuyển đến khu tái định cư, đang hoàn thành việc xây dựng nhà mới. Ảnh: H.PHÚC
Tại khu tái định cư núi Gành, nhiều hộ dân đã và đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng nhà mới. Bà Nguyễn Thị Phường chia sẻ: “Nhà tôi ở trên xóm núi Gành đã 20 năm. Từ khi có sạt lở dưới chân núi gây chết người, người dân trong xóm nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa bão đến. Giờ đã ở khu tái định cư, chúng tôi hoàn toàn yên tâm”.
Chưa được di dời đi nơi khác, nỗi lo vẫn còn thường trực ở nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đáng chú ý là hai khu vực nguy cơ sạt lở cao ở TP Quy Nhơn là núi Một (khu phố 1, phường Đống Đa) và hóc Bà Bếp (tổ 27, khu phố 5, phường Đống Đa).
Mùa mưa lũ năm 2021 đã gây ra 16 điểm sạt lở tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Đáng lo hơn, trong số này có nhiều điểm sạt lở không thuộc danh sách 28 khu vực nguy cơ sạt lở kể trên theo khảo sát của Bộ CHQS tỉnh. Giữa tháng 11.2021, thôn Chánh Thắng (xã Cát Thành, huyện Phù Cát) chịu ảnh hưởng nặng nề khi lần đầu xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên núi Cấm. Đến nay, người dân vẫn chưa hết lo lắng.
Ông Trần Bá An, ở gần dưới chân núi Cấm, cho biết: “Sau sự cố sạt lở núi năm ngoái, năm nay mương thoát nước trong thôn đã được cải tạo, làm bờ kè, nhưng tôi thấy vẫn còn nhỏ hẹp, chưa hoàn thiện... Mùa mưa bão sắp tới, mong rằng các cấp chính quyền tiếp tục có thêm các phương án, sẵn sàng triển khai kịp thời để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân”.
Chủ động hơn trước mưa lũ phức tạp
Theo ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, lượng mưa trong 2 tháng tới có khả năng lớn như cùng kỳ năm 2021, nhưng càng khó khăn hơn với nguy cơ gặp bão. Công tác ứng phó thiên tai của các địa phương càng phải chủ động, kỹ lưỡng hơn, xây dựng các kịch bản ứng phó cụ thể, quan tâm hơn nữa về sơ tán người dân…
Huyện Tây Sơn có 12 khu dân cư (với hơn 3.200 hộ/ 22.000 nhân khẩu) ở 10 vùng thấp trũng, ven sông suối, bị đe dọa an toàn khi có mưa bão, lũ lụt. Từ tháng 6.2022, UBND huyện đã ban hành Phương án ứng phó thiên tai. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã chủ động hơn trong chuẩn bị, xây dựng phương án di dời dân cụ thể về số lượng hộ dân, phương tiện di dời, địa điểm phù hợp.
Sau Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 do huyện Tuy Phước tổ chức ngày 14.9, các xã, thị trấn tích cực vào cuộc. Đợt mưa lũ cuối tháng 11.2021, tại xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) có đến 100% nhà ở ngập sâu trong lũ, xã phải nhờ hỗ trợ từ các lực lượng của tỉnh, huyện mới bảo đảm di dời dân đến nơi an toàn. Rút kinh nghiệm, UBND xã Phước Nghĩa chỉ đạo sớm rà soát, kiểm tra các khu dân cư, các hộ dân để khoanh vùng nguy cơ ngập sâu cục bộ, chia cắt dài ngày, xây dựng phương án sơ tán tránh lũ chủ động hơn. Trong đó, chú trọng các hộ dân vùng bị ngập nước sâu, như sẵn sàng di dời 7 hộ/ 21 nhân khẩu ở thôn Thọ Nghĩa, Hưng Nghĩa.
Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa Lê Quốc Dũng cho biết: Ngoài các hộ dân có trong phương án di dời, năm nay, UBND xã lần đầu tiên yêu cầu 100 hộ ở nhà cấp 4 (không có gác lỡ hoặc tầng lầu) tại 3 thôn ký cam kết. Theo đó, khi xảy ra lụt lớn, nước ngập nhà 0,6 - 1 m nhưng vẫn còn khả năng lội được, thành viên các hộ này chủ động di chuyển qua các nhà lân cận (có gác lỡ hay tầng lầu). Từ đó, tránh lặp lại tình trạng như năm ngoái, nhiều hộ dân khi nhà ngập sâu, không đi được mới gọi điện đến UBND xã cầu cứu, gây thêm khó khăn cho công tác cứu nạn.
HOÀI THU