Xét tuyển đại học 2022: Ngành sư phạm điểm tăng cao, ngành y giảm điểm
Ngoài lý do các trường mở rộng nhiều phương thức tuyển sinh, khiến tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp giảm, thì còn do chính sách cộng điểm ưu tiên chưa thực sự phù hợp.
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều ngành sư phạm có điểm trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp rất cao, trên 28 điểm, thậm chí gần 30 điểm mới trúng tuyển. Thế nhưng ở nhóm ngành y, vốn luôn dẫn đầu về điểm số thì lại giảm điểm chuẩn trúng tuyển so với năm ngoái, thậm chí có ngành giảm tới hơn 5 điểm so với năm ngoái.
Sự bất thường này làm dấy lên những băn khoăn, lo lắng và cả áp lực cho các thí sinh sẽ xét tuyển đại học trong năm tới.
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều ngành sư phạm có điểm trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp rất cao, trên 28 điểm, thậm chí gần 30 điểm mới trúng tuyển.
Hiện nay, điểm xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (gồm 3 môn) tối đa là 30 điểm, hoặc 40 điểm (với môn chính nhân hệ số 2), nhưng mức điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm đều ở mức trên 28 điểm, thậm chí có ngành gần chạm mốc điểm tuyệt đối này.
Cụ thể, Trường Đại học Hồng Đức có 2 ngành sư phạm chất lượng cao điểm chuẩn trúng tuyển theo khối C00 là 39,92 điểm (theo thang điểm 40). Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên, tính trung bình thí sinh phải đạt 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hai ngành cùng có điểm chuẩn trúng tuyển khối C00 là 28,5 điểm. Trường Đại học Quy Nhơn có 4 ngành điểm chuẩn cũng ở mức 28,5 điểm, tăng 9,5 điểm so với năm ngoái. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất là 38,67 điểm (theo thang điểm 40), tăng đến 13,17 điểm so với năm ngoái.
Theo lý giải của các trường, chỉ tiêu tuyển sinh ít, cộng với điểm thi các môn Lịch sử, Ngữ văn tăng cao cũng là yếu tố tác động mạnh đến sự tăng điểm chuẩn của khối ngành này. Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, vài năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường luôn ở mức cao:
"Sau khi thực hiện Nghị định 116 (quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm), các trường sư phạm phải có chỉ tiêu nhất định. Cơ sở chỉ tiêu như thế, mà mọi người biết rằng, các thí sinh mà mong muốn ra làm nghề dạy học thì rất nhiều bạn đều mong muốn học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nên số thí sinh đăng ký vào đây khá nhiều, dẫn đến ngưỡng điểm của chúng tôi trong những năm vừa rồi cũng phải ở một mức nhất định", Giáo sư Nguyễn Văn Minh nói.
Xét tuyển đại học 2022, ngành sư phạm điểm tăng cao, ngành y giảm điểm.
Điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều ngành sư phạm ở mức cao và tăng nhiều so với năm ngoái vốn đã bất ngờ cho cho cả thí sinh, nhà trường và xã hội, nhưng sự giảm điểm ở khối ngành y, với mức giảm từ gần 1 điểm đến 5,7 điểm so với năm ngoái, lại khiến các trường băn khoăn, lo lắng. Bởi lẽ đây vốn là lĩnh vực luôn duy trì mức điểm chuẩn ở top đầu và nhận được sự quan tâm rất lớn của thí sinh cũng như xã hội.
Ngay cả với cơ sở đầu tàu cả nước về ngành y là Trường Đại học Y Hà Nội cũng không ngoại lệ, năm nay điểm chuẩn ngành Điều dưỡng đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa có điểm chuẩn giảm 4,2 điểm so với năm ngoái.
Giáo sư Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội lý giải: "Đăng ký nguyện vọng vào trường Đại học Y Hà Nội những năm ít thì cũng phải trên 10.000, tuy nhiên năm nay con số này chỉ còn trên 4.000. Như vậy đã giảm trên 50%. Kể cả ngành được quan tâm nhiều nhất là ngành Bác sỹ y khoa thì cũng giảm với tỷ lệ cũng tương tự như thế".
Đánh giá về sự biến động điểm chuẩn theo hướng tăng cao của các trường nói chung và nhóm ngành sư phạm, xã hội nói riêng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, ngoài lý do các trường mở rộng nhiều phương thức tuyển sinh, khiến tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp giảm, thì còn do chính sách cộng điểm ưu tiên chưa thực sự phù hợp.
"Những ngành nào mà chỉ tiêu ít, số lượng thí sinh mong muốn vào nhiều thì đương nhiên điểm chuẩn phải cao. Đặc biệt là những ngành mà chúng ta gọi là có nhu cầu xã hội nhiều, như công nghệ thông tin, hay một số ngành kinh tế quản lý, gần đây một số ngành xã hội, ngành sư phạm cũng có lý do của nó. Vấn đề chúng ta cần bàn hơn là vì sao lại cao đến mức thậm chí vượt trên điểm của em thủ khoa.
Một trong những lý do đó liên quan tới câu chuyện điểm cộng ưu tiên chưa thực sự công bằng đối với những ngành có tính cạnh tranh mạnh. Những ngành nhiều thí sinh có nguyện vọng và ít chỉ tiêu, thì khi điểm chuẩn cao như vậy thì rõ ràng điểm cộng ưu tiên dù 0,1 đến 0,2 đã rất quan trọng rồi, chưa nói tới tối đa tới 2,75", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm tăng mạnh là tín hiệu đáng mừng cho thấy xu hướng chọn ngành, chọn nghề của thí sinh hiện nay đã được cân nhắc kỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán tới phương án siết lại tình trạng giỏi ảo qua việc ra đề thi tốt nghiệp, còn các trường đại học thì cũng đã đến lúc phải “khai tử” cho phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông bởi hiện không còn phù hợp. Có như vậy, hiện tượng điểm chuẩn tăng vọt hay giảm sốc mới không tái diễn những mùa tuyển sinh sau.
Theo Minh Hường (VOV1)