Trường học khẩn trương ứng phó bão Noru
Đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương triển khai các phương án phòng chống, ứng phó với bão Noru.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 26.9, hoạt động tại các trường học vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đi kèm với công tác dạy học, các trường huy động lực lượng giáo viên cùng tranh thủ gia cố lại trường lớp, cắt tỉa cây xanh có nguy cơ ngã đổ, gia cố, chằng buộc cửa, rà soát lại hệ thống điện, dây cáp viễn thông, che chắn các thiết bị, đồ dùng dạy học…
Sáng 26.9, Trường Tiểu học Canh Liên (huyện Vân Canh) chủ động cắt tỉa cây trong khuôn viên trường học để đảm bảo an toàn khi bão Noru đến.
Thầy giáo Trần Văn Tho, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Canh Liên (huyện Vân Canh) cho biết, toàn trường có 7 điểm trường gồm 1 điểm trường chính tại trung tâm xã và 6 điểm trường lẻ nằm rải rác ở các thôn. Đến trưa nay, trường đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhà trường huy động lực lượng chặt bớt những nhánh cây to trong khuôn viên trường, gia cố mái tôn, cửa phòng học, phân công trực theo dõi bản tin bão, tất cả theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu bão đổ bộ trên địa bàn xã.
“Hiện giờ trường vẫn tổ chức học bình thường cho học sinh. Những điểm trường thấp nguy cơ ngập như làng Chồm có 2 lớp với 36 học sinh, chúng tôi chỉ đạo giáo viên tại điểm trường theo dõi sát tình hình, kịp thời phối hợp với ban chỉ đạo phòng chống bão của địa phương và phụ huynh ứng phó khi có sự cố xảy ra, đảm bảo học sinh đi học và về nhà an toàn”, ông Tho nói.
Tại huyện miền núi An Lão, theo thầy giáo Hồ Văn Tự, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú An Lão, trong sáng nay trường đã thành lập Ban chỉ huy phòng, chống bão của trường gồm 9 thành viên. Trường thông báo cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nắm bắt thông tin kịp thời mức độ nguy hiểm của bão; kiểm tra phòng học, phòng ở, phòng làm việc, hệ thống điện, nước, trang thiết bị đồ dùng dạy học, máy móc, cây cao... Các tổ trực phòng, chống bão bắt đầu từ sáng 27.9 cho đến tối 28.9 và chia thành 3 ca trực 100% tại nhà trường.
“Trường hợp cần thiết sẽ liên lạc và xin ý kiến của lãnh đạo ngành, địa phương cho học sinh nghỉ học; phân công cán bộ, giáo viên liên lạc với phụ huynh học sinh hoặc đưa học sinh về nhà, chú ý qua những đoạn đường nguy hiểm như cầu, sông, suối... Với khoảng 190 học sinh bán trú trong số hơn 500 học sinh theo học, bên cạnh việc thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nhà trường đặc biệt chú trọng “hậu cần tại chỗ” chuẩn bị đầy đủ nước uống, thực phẩm, thuốc uống, củi, xăng chạy máy phát điện, đèn thắp sáng... cho học sinh”, ông Tự cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Lão, cho biết ngành đang khẩn trương thực hiện công tác phòng chống bão theo chỉ đạo của tỉnh và của huyện. Là địa bàn miền núi có nguy cơ sạt lở, lũ quét khi bão đến, Ban chỉ huy của ngành phân công từng thành viên phụ trách các địa bàn. Song song đó, các trường có phương án “4 tại chỗ” ứng phó với bão. Hiệu trưởng nhà trường phải theo dõi sát tình hình, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên, nhân viên, học sinh có phương án để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở lại trường khi bão đến; đảm bảo an toàn cho học sinh và đội ngũ của trường.
Chiều nay, học sinh Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước) vẫn học bình thường. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị phòng chống bão đã được nhà trường chuẩn bị sẵn sàng.
Với các địa bàn ven biển, công tác phòng chống bão cũng được các trường tiến hành hết sức khẩn trương. Ông Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước) thông tin trong ngày nay học sinh vẫn học bình thường. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị phòng chống bão đã được nhà trường chuẩn bị sẵn sàng; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Đến trưa nay, bà Hoàng Ngọc Tố Nương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước đã có văn bản yêu cầu hiệu trưởng các đơn vị trường mầm non và phổ thông trực thuộc nghiêm túc thực hiện rà soát kế hoạch, các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy; có kế hoạch trong việc di chuyển các phòng thí nghiệm, phòng thư viện, máy vi tính, hồ sơ, thiết bị dạy học lên tầng cao (nếu có), chủ động ứng phó khi mưa bão xảy ra. Hiệu trưởng các trường học tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ và văn bản chỉ đạo của cấp trên chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão. Triển khai việc thực hiện ngay phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống lụt bão ở cơ sở.
“Đặc biệt các trường ở vùng cao, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở tại trường, không đi về khi bão đến. Các trường phổ thông dân tộc bán trú quản lý chặt chẽ học sinh, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống... nếu tình hình bão diễn biến phức tạp”.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Lão.
“Các trường tuyên truyền gia đình tăng cường quản lý học sinh, nhắc nhở học sinh không đùa nghịch nước, không đi lại trên các tuyến giao thông bị nước lũ tràn qua; tuyệt đối không đi qua những nơi nước sâu, chảy xiết. Nhà trường cảnh báo nguy cơ học sinh dễ bị lũ cuốn trên đường đến trường để phụ huynh biết, dành thời gian đưa, đón con em mình đi học đảm bảo an toàn”.
Bà Hoàng Ngọc Tố Nương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước.
MAI HOÀNG