Dự kiến nâng giá trần mua ôtô công phục vụ công tác chung lên 950 triệu đồng/xe
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô nhằm thay thế Nghị định số 04/2019. Trong đó, một nội dung đáng chú ý đã được thảo luận lấy ý kiến là dự kiến nâng giá trần mua ôtô công phục vụ công tác chung lên 950 triệu đồng/xe.
Theo báo cáo của Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung 4 nội dung chính về tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô chức danh, về định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng và về phương thức bảo đảm phương tiện phục vụ công tác. Trong các nội dung này, có một số điểm mới đáng chú ý, như sửa đổi danh mục xe ô tô phục vụ công tác chung và giá mua xe cho danh mục này. Cụ thể: xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng khác, phục vụ nhiệm vụ đặc thù, thực chất là xe ô tô từ 4 đến 16 chỗ thông thường, được quy định là xe chuyên dùng theo Nghị định số 04, trong dự thảo Nghị định sửa đổi được chuyển thành xe ô tô phục vụ công tác chung, để quy định cụ thể định mức, tối ưu hóa mục đích sử dụng và tần suất sử dụng xe ô tô (vừa sử dụng để đi họp, đi công tác, vừa sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù).
Bộ Tài chính cũng đánh giá, quy định về giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung đã được duy trì từ năm 2010 cho đến nay. Qua khảo sát giá mua mới xe ô tô của dòng xe được sử dụng phổ biến để phục vụ công tác chung, dự thảo Nghị định quy định mức giá mua xe loại 1 cầu tối đa là 950 triệu đồng/xe; xe từ 12-16 chỗ ngồi, mức giá tối đa là 1 tỷ 600 triệu đồng/xe. Trong trường hợp cần trang bị loại xe ô tô 7-8 chỗ 2 cầu, mức giá tối đa là 1 tỷ 300 triệu đồng/xe.
Dự kiến nâng giá trần mua ôtô công phục vụ công tác chung lên 950 triệu đồng/xe. Ảnh minh họa: KT.
“Chúng tôi cũng đưa ra quy định theo số lượng, mức giá và chủng loại, trong phạm vi đó Chủ tịch UBND tỉnh và các bộ, các ngành quyết. Ngoài định mức đó, như mức giá cao hơn hay chủng loại khác thì đề nghị với Bô Tài chính. Việc điều động xe cũng vậy, trong phạm vi Bộ, ngành, của tỉnh thì tỉnh điều động, ngoài phạm vi của tỉnh, hoặc của bộ ngành này cho bộ ngành khác, (hoặc điều lên điều xuống), thì báo cáo Bộ Tài chính”, Bộ trường Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các Bộ, ngành và địa phương sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi về Bộ Tài chính theo đúng thời hạn ngày 30.9.2022. Bộ trưởng cũng giao Cục Quản lý công sản cùng với Vụ Pháp chế và các đơn vị chức năng trong Bộ tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ, bảo đảm tính khả thi của dự thảo.
Theo Trung Hiếu (VOV1)