Những mùa xuân hoa cỏ…
Những mùa xuân hoa cỏ (NXB Hội Nhà văn) là tập tiểu luận, phê bình vừa ra mắt bạn đọc vào tháng 8.2022 của nhà văn Lê Hoài Lương. Sách gồm 27 bài tiểu luận và có thể nói ngay mỗi bài viết là một góc nhìn riêng, độc đáo giúp bạn đọc tiếp cận phong cách sáng tác, nghệ thuật sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ đương đại Việt Nam.
Tập sách có nhiều bài viết đặc sắc khám phá những chiều sâu tâm hồn, giải mã nét đẹp nghệ thuật trong chi tiết ngôn ngữ, cấu tứ, ảnh hình của tác phẩm của các tác giả đã định danh trên văn đàn như Thanh Thảo (bài Thanh Thảo: Thơ của người lang thang qua chiến tranh), Văn Chinh (bài Kỹ thuật truyện ngắn Văn Chinh), Dạ Ngân (bài Chữ của Dạ Ngân); Ngô Phan Lưu (bài Những giá trị cực hạn trong truyện ngắn của Ngô Phan Lưu)… Hoặc ngay những tác giả trẻ, nhưng đã khẳng định một cá tính sáng tác, giàu nội lực cũng đã được nhà văn trân trọng đưa vào trang viết. Như trường hợp nhà thơ Phương Đặng qua tập thơ Con người (tập thơ đạt giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021), nhà văn đã soi chiếu vào các hình tượng, lật xới, tranh biện, phủ định, xác tín trên từng ngóc ngách con người để lần nữa đi đến những “định dạng” về con người. Hoặc với nhà văn Đinh Phương, qua quá trình “đọc” tác phẩm Nắng Thổ Tang, nhà văn đã đúc kết qua bài viết Lịch sử và các chiều kích văn chương, từ đó cho bạn đọc thấy vẻ đẹp của chất văn, khả năng tung tẩy và biến hóa của Đinh Phương trong nghệ thuật viết tiểu thuyết.
Đáng chú ý trong tập sách này, nhà văn Lê Hoài Lương đã dành một dung lượng lớn đề cập đến một số tác giả Bình Định. Ngoài nhìn lại sáng tác về thơ tứ tuyệt của thi sĩ Yến Lan (đã mất) qua bài viết Đọc lại thơ tứ tuyệt Yến Lan, nhà văn đã tiếp cận các tác giả đương đại của Bình Định bằng góc nhìn sắc sảo, khả năng bóc tách vấn đề để nhận diện cái hay và cả cái chưa toàn diện của mỗi người.
Có nhiều bài viết của anh về các tác giả Bình Định tạo sự chú ý, như viết về Lệ Thu qua 2 bài viết Lệ Thu và Điềm đạm Việt Nam, Những tráng khúc về nhân dân; Văn Trọng Hùng với 2 bài rọi thấu về hai mảng sáng tác kịch và thơ: Mô típ nghệ thuật kịch Văn Trọng Hùng và Hầu chuyện tiền nhân gặp nhân dân muôn thuở; Mai Thìn với Ngôi nhà nguồn cội ngôi nhà thơ; Trần Quang Khanh với Những khoảnh khắc thơ; Trần Quang Lộc với Những chiều kích khác của hiện thực; Triều La Vỹ với Người của muôn năm không cũ bao giờ; Lưu Thị Mười với Lưu Thị Mười và những góc phận đàn bà…
Không đi theo lối mòn từ chương, kiểu phê bình hàn lâm, nặng tính lý thuyết, nhà văn Lê Hoài Lương đã chọn phương thức tiếp cận riêng. Anh lội ngược vào xúc cảm con chữ, xoáy sâu vào bóc tách nội hàm vấn đề, lật xới đa góc cạnh bằng cảm quan của một nghệ sĩ, bằng sự đồng điệu từ một người sáng tác và sự sòng phẳng - yếu tố cần có của một người làm công tác nghiên cứu, phê bình. Tập sách đã góp phần làm phong phú thêm mảng lý luận phê bình hiện nay và là nguồn tư liệu đáng chú ý để người đọc có thể tham khảo, tìm hiểu về các sáng tác của nhiều nhà thơ, nhà văn đương đại Việt Nam.
VÂN PHI