Ngành Y tế chủ động ứng phó với bão số 4
Ngay từ khi có tin bão sẽ đổ bộ, ngành Y tế đã khẩn trương tổ chức thực hiện ngay các công tác nhằm chủ động ứng phó với bão số 4 và các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Sẵn sàng thuốc, nhân lực, cấp cứu kịp thời
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, sau khi nhận được thông tin về cơn bão tại cuộc họp với Chính phủ và UBND tỉnh, từ sáng 25.9, ngành Y tế đã tổ chức họp khẩn với các cơ sở y tế trực thuộc về công tác chuẩn bị ứng phó. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại các địa bàn trọng yếu. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng đã khảo sát, kiểm tra nắm bắt tình hình để có phương án phòng, chống bão phù hợp.
Nhân viên Trạm Y tế xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) chốt cửa an toàn trước bão. Ảnh: BS NGUYỄN VĂN TRUNG
Hôm nay (ngày 27.9), theo báo cáo của giám đốc TTYT các địa phương, công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 4 đã hoàn tất. Tinh thần là đảm bảo tính mạng của con người là quan trọng nhất.
Theo đó, đến nay các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã có phương án tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa, lũ. Trong đó, phát huy phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, mưa, lũ gây ra; triển khai các phương án bảo vệ cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. TTYT các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống bão lụt, phòng chống dịch; đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất xử lý nước, xử lý môi trường cho các trạm y tế. Cùng với đó, sẵn sàng công tác cứu nạn, cấp cứu, khám chữa bệnh.
Ngành Y tế cấp phát thuốc tại khu tránh trú bão ở xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn). Ảnh: BS NGUYỄN VĂN TRUNG
Tại TX Hoài Nhơn, ông Trần Hữu Vinh, Giám đốc TTYT TX Hoài Nhơn, cho biết: Sau khi có công điện của tỉnh, Sở, TTYT đã tổ chức họp và lên phương án chuẩn bị. Sau khi rà soát, TTYT đã cấp 25 đèn sạc cho các trạm y tế có đèn sạc đã hư hỏng; cấp các cơ số thuốc và hóa chất xử lý nước nhanh cho các thôn, khu phố để cấp cho người dân xử lý uống trong lúc bão, lụt. Tại các khu vực bị chia cách, chúng tôi có phương án “4 tại chỗ” để xử lý. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị cơ số thuốc để sơ cấp cứu khi có tình huống xảy ra. Theo đó, TTYT có 2 tổ cấp cứu lưu động, khi có trường hợp cần cấp cứu tại địa phương nào thì tổ cấp cứu lưu động của TTYT sẽ phối hợp với tổ cấp cứu của trạm y tế hỗ trợ, cấp cứu kịp thời người dân. Ngoài đổ xăng sẵn sàng các xe cấp cứu, chúng tôi cũng dự trữ lương thực tại Trạm y tế cũng như TTYT để phòng khi bị chia cách, bão, mưa không di chuyển được.
Nhân viên Trạm Y tế Nhơn An (TX An Nhơn) cấp một số thuốc cần thiết khi bão lụt, chia cắt xảy ra cho người dân. Ảnh: BS LÊ THÁI BÌNH
Tại TX An Nhơn, ông Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chúng tôi đã tổ chức đến các địa bàn để củng cố phương án “4 tại chỗ” cho từng trạm y tế (trưởng trạm tại chỗ, hậu cần tại chỗ, thiết bị, phương tiện tại chỗ và thuốc men tại chỗ - kể cả thuốc men dự báo sau khi bão sẽ lụt). Trạm y tế ngưng hết các hoạt động để chống bão, trên địa bàn thị xã chỉ còn Trạm Y tế phường Nhơn Hưng và Trạm Y tế xã Nhơn Hậu còn là cấp 4, còn lại đều là nhà 2 tầng nên cũng là nơi tránh trú bão khá an toàn. Trong ngày hôm nay (27.9), chúng tôi đã cung cấp toàn bộ vật tư, thuốc men về 15 trạm y tế xã, phường; sẵn sàng tinh thần trực 2 ngày nếu bão đổ bộ đêm nay và ngày mai.
Sẵn sàng trực xuyên bão, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân
Tại Hoài Nhơn, hiện thị xã có 2 trạm y tế chưa kiên cố là Trạm Y tế phường Hoài Đức và Trạm Y tế phường Hoài Hương. Ngành Y tế đã chỉ đạo bảo quản kỹ tài sản, trang thiết bị. Bên cạnh đó, dự báo tình hình bão nguy hiểm, bệnh nhân nội trú tại TTYT có thể không nhận được sự chăm sóc kịp thời của người nhà. Ông Trần Hữu Vinh, Giám đốc TTYT TX Hoài Nhơn, thông tin: Chúng tôi cũng chuẩn bị thức ăn và các phương án chăm sóc người bệnh trong tình huống mưa bão xảy ra người nhà không vào thăm nuôi được. Cùng với đó, phân công nhân lực, sẵn sàng tinh thần trực 2 ca tối nay (27.9) và ngày mai (28.9) vì có thể ca trực ngày mai không đến được.
Trạm Y tế Nhơn Khánh (TX An Nhơn) chuẩn bị đèn và lương thực cho đêm trực. Ảnh: BS LÊ THÁI BÌNH
Tương tự TX Hoài Nhơn, TTYT TX An Nhơn có 2 tổ cấp cứu sẵn sàng ứng phó với bão lũ. Bệnh nhân đã ổn định, TTYT TX An Nhơn sẽ cho về nhà sớm, còn lại bệnh nhân nặng. Tuy vậy, ông Lê Thái Bình chia sẻ: Không phải cứ là bệnh nhân nhẹ chúng tôi sẽ cho về hết mà xem xét những bệnh nhân khó khăn, nghèo, nơi ở không đủ an toàn thì giữ nội trú để đảm bảo an toàn. Hiện tại chúng tôi có 200 bệnh nội trú còn ở lại. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị thức ăn, lương khô, 2 xe cấp cứu, sẵn sàng cấp cứu tai nạn thương tích nếu bão đổ bộ với tinh thần đảm bảo tính mạng con người, người dân, bệnh nhân, nhân viên y tế là quan trọng nhất. Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng, chống bão của Trung tâm trực tiếp chỉ huy các hoạt động y tế trong bão lũ.
Là bệnh viện nằm trong vùng dễ bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Bình Định đã chuẩn bị mọi phương án để hạn chế thấp nhận thiệt hại. Ông Châu Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Bình Định, cho biết: Chúng tôi đã có kinh nghiệm phòng, chống bão lụt nhiều năm. Để ứng phó với cơn bão số 4, chúng tôi đã di chuyển đồ đạc lên chỗ cao. Bệnh nhân nhẹ và có điều kiện ở nhà an toàn thì cho về sớm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị thuốc, tăng cường nhân lực trực ban để kịp thời xử lý tình huống phát sinh.
THẢO KHUY