Ðưa khuyến học, khuyến tài trở thành phong trào của toàn dân
Nhiệm kỳ 2017 - 2022, Hội Khuyến học tỉnh Bình Ðịnh tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Huỳnh Ðăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, về những kết quả đã đạt được và nhiệm vụ nhiệm kỳ tới (2022 - 2027).
“Điểm tựa” cho sự nghiệp GD&ĐT
● Nhiệm kỳ 2017 - 2022 rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19. Tuy vậy, Hội Khuyến học tỉnh đã có một nhiệm kỳ thành công. Ông có thể nói về những kết quả nổi bật?
- Hội Khuyến học tỉnh đã có hệ thống tổ chức từ tỉnh, đến huyện, thành phố, thị xã; xã, phường, thị trấn và khu dân cư; dòng họ, trường học, DN, hội đồng hương... Tỉnh đã triển khai tốt các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với nhiều hình thức, nội dung phong phú trở thành “điểm tựa” cho sự nghiệp GD&ĐT.
Ông Huỳnh Đăng Khanh (bìa trái) trong lễ trao học bổng cho học sinh giỏi. Ảnh: M.H
Nổi bật là Hội khuyến học các cấp phối hợp với Hội khuyến học trong nhà trường đã có nhiều hoạt động góp phần vào phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt”, xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường học thân thiện, học sinh tích cực… Phối hợp vận động học sinh đến trường đúng độ tuổi, giảm thiểu tối đa học sinh bỏ học.
Các cấp hội phối hợp ngành GD&ĐT duy trì hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng, phục vụ việc học tập suốt đời của người dân. Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ, sâu rộng các mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập”, làm sâu sắc thêm nhận thức và hành động của người dân về xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đóng góp thiết thực vào việc duy trì ổn định trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng dạy và học của sự nghiệp GD&ĐT tỉnh.
● Khuyến học, khuyến tài là phong trào rộng lớn, mang tính xã hội. Ngoài những kết quả của Hội khuyến học các cấp, ông đánh giá như thế nào về hoạt động này ở các đơn vị, DN?
- Điều vui mừng là càng có thêm nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt DN tích cực tham gia công tác khuyến học bằng nhiều hình thức như trực tiếp giúp đỡ, trao học bổng học sinh nghèo, khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi... Nhiều đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình và trở thành hoạt động thường xuyên.
Tôi đánh giá cao TP Quy Nhơn với nhiều đơn vị tài trợ thường xuyên dài hạn cho học sinh, sinh viên như: Công ty CP Môi trường Bình Định, Công ty TNHH TM-SX-XNK Anh Nhật, TTYT TP Quy Nhơn, Chùa Hiển Nam, Giáo xứ Ngọc Thạnh… Nổi bật là công tác vận động xây dựng, trang bị cơ sở vật chất trường học với 25 công trình khuyến học đã thực hiện hơn 2 tỷ đồng. Huyện Hoài Ân với các mô hình giải thưởng, học bổng như: “Học bổng Tăng Bạt Hổ”, “Học bổng Đặng Thành Chơn”, “Học bổng Tâm Châu”, “Học bổng INTOC”…
Đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
● Những kết quả đạt được trong phong trào chung rất đáng ghi nhận, song còn nhiều điều mà những người làm công tác khuyến học mong muốn nhưng chưa thực hiện được?
- Mong muốn thì nhiều, nhưng khuyến học, khuyến tài là công việc thường xuyên và lâu dài. Vấn đề là làm sao phát triển nhiều hơn nữa tổ chức Hội ở cơ sở, nhất là khối các cơ quan, DN, khu dân cư và đặc biệt tổ chức nhiều hơn nữa mô hình khuyến học mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác khuyến tài cũng cần được tập trung nhiều hơn nhằm bồi dưỡng nhân tài, phát hiện và tham mưu chính sách sử dụng người tài, làm cho người tài phát huy được khả năng, góp phần xây dựng tỉnh nhà.
● Nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội Khuyến học tỉnh sẽ có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả, hoạt động công tác khuyến học, khuyến tài, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT, nâng cao trình độ dân trí của tỉnh?
- Trong bối cảnh có nhiều thách thức lớn, nhất là khi hoạt động xây dựng xã hội học tập bước sang giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn và đa dạng hơn, Hội Khuyến học tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện tốt vai trò nòng cốt, liên kết tham mưu và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để đưa công tác này trở thành phong trào của toàn dân.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 389 hội cơ sở trực thuộc hội cấp huyện, 2.405 tổ chức hội trực thuộc hội cơ sở, với 323.543 hội viên (20,22% dân số toàn tỉnh).
Hội Khuyến học các cấp đã trích hơn 79 tỷ đồng từ quỹ khuyến học cùng với vận động tổ chức, nhà hảo tâm, DN cấp 397.814 suất học bổng tiếp sức, khen thưởng học sinh, sinh viên khó khăn, hỗ trợ giáo viên…
Chúng tôi cũng đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cần phải thực hiện. Đó là tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, tư vấn, nhất là tham mưu tỉnh ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động của hội khuyến học các cấp, đặc biệt hoạt động của tổ chức hội ở cơ sở. Tiếp tục củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức hội ở các cấp, ngành, địa phương, xây dựng và phát triển tổ chức hội trong cơ quan, đơn vị, DN.
Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị cùng với thực hiện mô hình “Công dân học tập”; hình thành và phát triển phương thức học tập suốt đời có tính mở, tạo điều kiện và thúc đẩy học tập thường xuyên, học tập suốt đời, lấy tự học làm cốt; xây dựng và thực hiện mô hình “Công dân học tập” theo chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030” trong điều kiện của nền kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.
Các trung tâm học tập cộng đồng đổi mới chương trình và phương pháp tiếp cận, đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của cộng đồng. Các cấp hội linh hoạt hình thức huy động đóng góp của DN, tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho việc học như xây dựng cơ sở vật chất trường học, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên; khen thưởng xây dựng xã hội học tập tốt…
● Cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)