Quyết liệt phòng, chống bão số 4
Trước tình hình bão số 4 đang diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh, ảnh hưởng lớn đến nhiều tỉnh, thành trong nước, sáng 27.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp bão số 4 với các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.
Tham gia cuộc họp tại điểm cầu Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng và các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh xuống tận thôn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4
Tại Bình Định, công tác ứng phó bão số 4 được triển khai khẩn trương, quyết liệt. Trong những ngày qua, thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS đã đi kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với bão. Báo cáo của Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh và các địa phương cho thấy, công tác phòng chống bão số 4 đã và đang được tỉnh thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (thứ ba từ trái sang) kiểm tra việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ cho người dân di dời tại bếp ăn Trường mầm non Hoài Hương. Ảnh: H.THU
Chiều 27.9, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại TX Hoài Nhơn, đến thăm 2 điểm di dời nhiều hộ dân đến tránh trú bão tại Trường mầm non Hoài Hương (phường Hoài Hương), Trường Tiểu học số 2 Tam Quan Nam (phường Tam Quan Nam). Đồng chí Hồ Quốc Dũng đã đến thăm hỏi, động viên người dân có nhà nguy cơ ngập lụt, không an toàn trước ảnh hưởng của bão số 4; tặng quà các trường hợp đau bệnh nặng được đưa đến điểm tránh bão sớm, đồng thời kiểm tra việc chuẩn bị ăn, ở, lực lượng y tế túc trực tại các điểm di dời.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (thứ hai từ trái sang) thăm hỏi, tặng quà một người dân bị bệnh nặng được đưa đến Trường Tiểu học số 2 Tam Quan Nam để tránh bão số 4. Ảnh: H.THU
Trước đó, cũng trong chiều 27.9, Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra công tác di dời dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao núi Gành (thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát); tình hình neo đậu tàu thuyền của ngư dân các xã ven biển huyện Phù Mỹ. Qua đó, ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong công tác này. Đồng chí đề nghị, tuy vậy, không được chủ quan, lơ là mà cần phải tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp kiên quyết, hiệu quả, bám sát tình hình thực tế địa phương và diễn biến bão số 4 để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (đầu tiên bên phải) kiểm tra tàu thuyền của ngư dân các xã ven biển huyện Phù Mỹ tại Khu neo đậu tránh trú bão cho các tầu đầm Đề Gi. Ảnh: H.THU
Sáng 27.9, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã đến phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 khu vực phía Bắc tỉnh. Tại đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy PCTT- TKCN & PTDS tỉnh phụ trách các địa phương để chỉ đạo ứng phó bão số 4, trong đó tập trung các biện pháp đảm bảo an toàn cho dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (bìa trái) kiểm tra địa điểm làm nơi tránh trú bão xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ). Ảnh: TIẾN SỸ.
Trưa 27.9, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã kiểm tra công tác ứng phó bão tại huyện Phù Mỹ. Đồng chí đã đến khu vực ven biển xã Mỹ Đức, nơi có nhiều nhà dân nằm sát biển; kiểm tra 2 điểm trường tại địa phương - nơi được bố trí để di dời người dân đến ở. Tại các điểm kiểm tra, đồng chí yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để di dời người dân sinh sống ở những vùng nguyên hiểm đến nơi an toàn.
Cũng trong chiều 27.9, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó cơn bão số 4 tại TP Quy Nhơn. Công trình xây dựng dự án Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ du lịch Greenhill Village Quy Nhơn (QL 1D, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) hiện chỉ còn 1 bảo vệ ở lại hiện trường; công trình đang tạm dừng thi công. Tuy nhiên, đây là khu vực có nguy cơ sạt lở cao nếu có mưa lớn. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu chính quyền địa phương kiên quyết đưa người ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi bão đến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (ngoài cùng bên trái) kiểm tra hệ thống thoát nước tại Trung tâm Phát triển phần mềm trong Công viên Sáng tạo TMA Bình Định (Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, TP Quy Nhơn). Ảnh: HOÀNG QUÂN
Kiểm tra hệ thống thoát nước tại Trung tâm Phát triển phần mềm trong Công viên Sáng tạo TMA Bình Định (Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, TP Quy Nhơn), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đề nghị chủ đầu tư ngay lập tức điều phương tiện khơi thông dòng chảy, tạo đường thoát nước mưa để kịp tiêu thoát nước, tránh ngập úng cho khu vực lân cận.
Trong khi đó, tại công trình thoát nước trước Resort Hoàng Gia (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), công nhân đang dùng xe múc khơi thông dòng chảy. Phần tiếp giáp bờ biển được ngăn tạm thời để thi công. Hiện hệ thống thoát nước đã thi công xong phần bê tông hai bên, tạo luồng thông thoáng cho nước mưa chảy thẳng ra biển. Đồng chí Lâm Hải Giang yêu cầu lực lượng thi công khẩn trương triển khai việc khơi thông dòng chảy, chậm nhất đến 17 giờ ngày 27.9 phải hoàn tất để kịp thoát nước nếu có mưa lớn.
BBĐBP và dân quân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) lắp các thanh chắn các cổng lối đi dọc bờ kè chắn sóng nhằm ngăn sóng biển dâng cao tràn vào đường giao thông. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Nhơn Lý và Ban CHQS huyện Tuy Phước giúp dân chằng chống nhà cửa ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận. Ảnh: XUÂN VINH
Nhiệm vụ quan trọng nhất, ưu tiên nhất là đảm bảo an toàn cho dân
Chiều tối 27.9, tại phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn, Ban chỉ huy tiền phương của tỉnh đã tổ chức cuộc họp trực tuyến đánh giá các phương án phòng chống bão số 4 và triển khai công tác phòng, chống bão. Cuộc họp được kết nối đến 174 điểm cầu tại các địa phương trong tỉnh. Tại điểm cầu phường Tam Quan Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì.
Công tác phương án sơ tán dân cũng đã và đang được các địa phương thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất; tất cả đều đã kích hoạt phương án ứng phó bão số 4 với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Đến chiều ngày 27.9, các địa phương đã sơ tán được 3.228 hộ/ 11.244 người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhận định bão số 4 diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ quan trọng nhất, ưu tiên nhất hiện nay là đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu rà soát lại tất cả phương án liên quan đến việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Ngay trong đêm 27.9, cấn phải cương quyết đưa một số hộ dân đang ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, địa phương nào để người dân ở lại, xảy ra sự cố thì Bí thư và Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Tỉnh yêu cầu tập trung hướng dẫn cho người dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại khi bão độ bộ vào đất liền. Tất cả lực lượng luôn sẵn sàng mọi tình huống, các đơn vị, địa phương phải trực 24/24 để phòng chống bão, địa phương nào không thực hiện nghiêm vấn đề này thì phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh. Hơn nữa, sau bão phải tập trung ngay việc khắc phục hậu quả, nhất là vấn đề giao thông, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh, an sinh của người dân.
Ngày 28.9, tỉnh cho tất cả cán bộ, công nhân, viên chức nghỉ làm để tập trung cho công tác khắc phục hậu quả mưa bão, nhanh chóng ổn định đời sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành, địa phương quán triệt chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và tiếp tục triển khai phương án phòng, chống bão số 4 theo cấp độ 4.
Toàn tỉnh có 164 hồ chứa dung tích từ 50.000 m3 trở lên, đến 17 giờ ngày 27.9, các hồ đang tích 219 triệu m3, đạt 32,1% tổng dung tích thiết kế. Các hồ lớn đang được điều tiết đưa về mực nước thấp nhất để đón lũ. Đối với tàu thuyền, tại các khu neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh có 5.600 chiếc. Ngoài ra, thông qua Hệ thống giám sát tàu cá tại Chi cục Thủy sản tỉnh đã xác định được số lượng tàu cá hoạt động trên biển khu vực giữa Hoàng Sa - Trường Sa có 310 tàu/2.309 lao động; khu vực Trường Sa có 296 tàu/2.206 lao động. Đáng chú ý, có 161 tàu/1.199 lao động nằm trong vùng nguy hiểm đang di chuyển ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của bão. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 4.173 ha lúa và 7.448 ha diện tích cây trồng cạn; 360 lồng bè nuôi tôm hùm biển. Hiện người dân đã di dời các lồng bè vào khu vực an toàn. Đối với khách du lịch, tổng số khách du lịch hiện có tại các cơ sở lưu trú ven biển là 557 và đã được thông tin về cơn bão số 4.
Tỉnh sẽ huy động lực lượng tại chỗ gồm 42.249 người; trong đó, Quân đội 1.042 chiến sĩ, Biên phòng 279 chiến sĩ, CA 1.640 chiến sĩ, lực lượng xung kích 8.805 người. Phương tiện tại chỗ thường trực hiện có 3 xe thiết giáp, 3 xe chữa cháy, 8 tàu các loại, 515 xuồng, 18 ca nô, 14 xe chuyên dùng phòng, chống thiên tai; phương tiện huy động gồm 379 máy xúc, 918 ô tô tải, 540 xe ben, 214 xe ủi. Đối với công tác hậu cần tại chỗ, ngoài việc người dân dự trữ lương thực trong 7 ngày, UBND tỉnh chỉ đạo các DN dự trữ 2.191.600 gói mì ăn liền, 1.500 kg lương khô, 144.690 chai nước uống, 274 nghìn viên Cloramin B, 1.350 kg bột Cloramin B.
TIẾN SỸ - HOÀI THU - LÊ CƯỜNG