Ngang nhiên chặt phá rừng trồng của người khác
Gửi đơn tới Báo Bình Định, ông Nguyễn Văn Khoa (ở đội 4, thôn Thanh Sơn, xã An Tân, huyện An Lão) trình bày: Gia đình ông có 2,4 ha đất rừng trồng keo tại lô G, khoảnh 2, tiểu khu 22 (thôn Thanh Sơn). Đây là diện tích gia đình ông được Lâm trường An Sơn (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện An Lão) hợp đồng giao khoán đất có rừng trồng phòng hộ vào năm 2002; thời hạn hợp đồng 30 năm.
Từ năm 2002 đến nay, gia đình ông Khoa canh tác, sản xuất liên tục trên diện tích này và thực hiện đúng nội dung hợp đồng giao khoán. Thế nhưng, ngày 14.7 vừa qua, ông Khoa phát hiện 1.000 cây keo (trồng vào tháng 9.2021) của gia đình mình bị chặt phá. Đến ngày 28.7 và 24.8, ông Khoa tiếp tục phát hiện rẫy keo của gia đình bị chặt phá, tổng số keo bị chặt là 5.000 cây.
Ông Khoa cho biết: “Qua 3 lần bị chặt phá, gia đình tôi thiệt hại 6.000 cây keo trồng được 1 năm tuổi. Người chặt phá là vợ chồng ông Thảo, bà Sang ở đội 4, thôn Thanh Sơn. Họ làm vậy với lý do đòi lại đất cũ. Đất này tôi đã được cấp thẩm quyền lập hợp đồng giao khoán có thời hạn 30 năm nên việc làm của họ là vô căn cứ, gây thiệt hại lớn cho gia đình tôi”.
Diện tích rừng trồng keo của gia đình ông Khoa bị chặt phá. Ảnh: NVCC
Ông Lê Phước Lưu, Chủ tịch UBND xã An Tân, xác nhận có vụ việc chặt phá cây trồng như ông Khoa trình bày. Đây là diện tích đất rừng do Ban QLRPH huyện An Lão quản lý nên UBND xã không có thẩm quyền giải quyết. Địa phương chỉ dừng ở mức phối hợp với chủ rừng và các cơ quan chức năng liên quan trong quá trình điều tra, xử lý.
Khoản 5, Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
“Diện tích rừng trồng phòng hộ tại khoảnh 2, tiểu khu 22 nói riêng và trên địa bàn xã An Tân nói chung đã được chuyển sang chức năng rừng trồng sản xuất. Tuy nhiên, hiện vẫn do Ban QLRPH huyện An Lão quản lý, chưa giao lại cho địa phương. Trong khi đó, Ban QLRPH huyện An Lão buông lỏng quản lý nên tình trạng nhiều người dân ngang nhiên tranh chấp, lấn chiếm, trồng rừng với lý do đòi lại đất cũ xảy ra khá phổ biến, làm mất ANTT tại địa phương”, ông Lưu cho biết thêm.
Theo ông Phan Thanh Hùng, Giám đốc Ban QLRPH huyện An Lão, diện tích rừng trồng phòng hộ tại xã An Tân trước kia được Lâm trường An Sơn trồng theo dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng. Năm 2008, Lâm trường An Sơn bàn giao diện tích này cho Ban QLRPH huyện An Lão quản lý; sau đó tiếp tục được giao khoán cho hộ gia đình sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người dân lấy lý do đòi lại đất, rẫy cũ nên tranh chấp, lấn chiếm, trồng keo trái phép. Trong khi đó, đây là diện tích Ban QLRPH tiếp quản lại từ Lâm trường An Sơn nên việc quản lý gặp không ít khó khăn.
“Riêng vụ rừng keo của gia đình ông Khoa bị người khác chặt phá, Ban đã và đang phối hợp với cơ quan CA huyện An Lão điều tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định pháp luật”, ông Hùng cho hay.
Thời gian qua, trên địa bàn xã An Tân và An Hòa (huyện An Lão) xảy ra khá nhiều trường hợp người dân lấy lý do đòi lại đất cũ nên tự ý lấn chiếm, tranh chấp diện tích đất rừng trồng phòng hộ với những người được hợp đồng giao khoán. Đã có trường hợp xô xát, đánh nhau gây mất ANTT tại địa phương.
Ngày 7.10.2020, UBND huyện An Lão từng có văn bản đề nghị UBND xã An Hòa, An Tân phối hợp với Ban QLRPH huyện An Lão tuyên truyền cho người dân biết việc giành rẫy cũ, trồng keo trái phép là vi phạm pháp luật. Sau khi Ban QLRPH huyện An Lão lập thủ tục thu hồi diện tích đất rừng quy hoạch chức năng sản xuất, bàn giao cho địa phương quản lý thì mới được xét cấp đất cho người dân canh tác.
VĂN LỰC