RÀ SOÁT HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO, HỘ CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH NĂM 2022:
Nghiêm túc để đảm bảo chính xác, khách quan
Dù chỉ là đợt rà soát mang tính định kỳ hằng năm, nhưng từ thực tiễn đợt tổng rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 vào cuối năm 2021, Sở LĐ-TB&XH (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh) đề nghị các địa phương chú trọng thực hiện thật nghiêm túc nhằm đảm bảo chính xác, khách quan và minh bạch.
Không bỏ bước trong quy trình
Theo hướng dẫn của Sở LĐ- TB&XH, quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm được thực hiện theo 7 bước, trong đó có bước “niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo tại trụ sở UBND cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 7 ngày làm việc”. Dù vậy, qua theo dõi, Sở LĐ-TB&XH phát hiện có một vài nơi bỏ qua bước “niêm yết” mà thông báo thẳng trên phương tiện thông tin đại chúng.
Chuẩn nghèo đa chiều đưa ra yêu cầu hộ dân muốn rà soát phải có giấy đề nghị nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến chủ tịch UBND cấp xã; tuy nhiên, khâu này thường bị thiếu. Tại một số địa phương, người dân nói rằng do “xem nhẹ” những chính sách ưu đãi về BHYT, vốn vay phát triển sản xuất… dành cho hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình (gọi tắt là hộ có mức sống trung bình) nên họ đã không đăng ký rà soát. Từ thực tế này, Sở lưu ý các địa phương hết sức chú trọng khâu tuyên truyền đến từng người dân, đảm bảo họ nắm, biết rõ về các quyền lợi chính đáng của mình.
Để kết quả rà soát chính xác nhất có thể, từ kinh nghiệm đợt tổng rà soát cuối năm qua, nơi nào cử rà soát viên độc lập, nơi đó làm rất tốt. Nhiều nơi tận dụng rà soát viên là cán bộ thôn; tuy nhiên cán bộ thôn trẻ, khỏe, năng động thì làm tốt, còn lại gặp rất nhiều khó khăn. “Cách tốt nhất là cử rà soát viên độc lập. Tận dụng người của thôn thì có ưu thế là biết rõ nội tình nhưng nhược điểm là tính độc lập không thể bằng”, ông Trần Vũ Minh, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ- TB&XH) tư vấn.
Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tâm Phát Quy Nhơn trao nhà tình thương cho hộ nghèo (gia đình có 3 người bị tâm thần) ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, ngày 25.9. Ảnh: N.T
Tăng cường công tác phối hợp
Qua ghi nhận ý kiến từ cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo của nhiều phường, xã, việc thực hiện các quy trình bằng phương pháp thủ công và nhập toàn bộ dữ liệu vào phần mềm Excel mất rất nhiều thời gian và tạo ra không ít áp lực với họ. Liên quan đến việc này, bà Nguyễn Thị Thế Vy, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) thông tin, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đăng ký sử dụng phần mềm rà soát hộ nghèo của Bộ LĐ- TB&XH. Bà Vy đề nghị các phòng LĐ-TB&XH tham mưu lãnh đạo UBND các huyện cho chủ trương để trang bị hệ thống máy chủ, các loại máy móc và con người liên quan; nếu mọi việc thuận lợi, có thể triển khai việc này ngay trong năm nay.
Thực tế đang đặt ra yêu cầu các địa phương phải phối hợp chặt chẽ và thống nhất về mặt số liệu với cơ quan thống kê trong công tác rà soát hộ nghèo. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, lưu ý, qua khảo sát, hiện vẫn còn huyện chưa kiện toàn ban chỉ đạo, chưa có kế hoạch triển khai rà soát của năm 2022. Ông Hùng cho rằng, ngoài hoạt động rà soát mang tính định kỳ hằng năm, đáng lưu ý là khâu rà soát thường xuyên được thực hiện mỗi tháng 1 lần.
“Sở LĐ-TB&XH đã ban hành văn bản đề nghị các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và xác định hộ có mức sống trung bình năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh từ ngày 15.10 - 15.11 tới. UBND cấp huyện cần chuẩn bị các nội dung báo cáo, sắp xếp, bố trí thời gian làm việc và tích cực phối hợp, hỗ trợ các đoàn làm việc đạt hiệu quả cao nhất”, ông Hùng đề nghị.
NGỌC TÚ