Huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký
Sáng 28.9, nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký - người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân và là “huyền thoại sống” của nhiều thế hệ học sinh, giáo viên của đất Việt qua đời.
Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947, tại Hải Thanh, Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Khi vừa 4 tuổi, cậu bé Ký bị bệnh, liệt cả hai tay. Nhưng với tinh thần hiếu học, khát vọng vươn lên, Nguyễn Ngọc Ký đã mày mò kiên trì tập viết bằng chân. Và rồi, đôi chân tài hoa của vùng đất học Nam Định đã làm cho cuộc đời Ký trở thành huyền thoại. Nguyễn Ngọc Ký đã hai lần được Bác Hồ thưởng Huy hiệu; là Nhà giáo ưu tú, nhà văn sở hữu gần 40 đầu sách… với khả năng truyền lửa cho các thế hệ …
Chúng tôi xin giới thiệu sau đây bài “Huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký” của tác giả Bùi Thị Xuân Mai viết một phần nhỏ về những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời của con người tràn đầy nghị lực phi thường đó.
Từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay, hầu như cả nước đều biết đến một Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay nhưng đã vượt khó vươn lên, trưởng thành. Và hiện tượng Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành huyền thoại. Ai đã từng gặp Nguyễn Ngọc Ký một lần, ấn tượng về anh sẽ không bao giờ mờ phai trong ký ức. Tôi có thể khẳng định như vậy.
Chữ viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký
Là bạn học với Ký từ lớp Ngữ Văn khóa 11, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1966-1970), nhưng khi ra trường mỗi người nhận công tác mỗi nơi, rất xa nhau. Đã 34 năm qua, tôi chưa có dịp gặp lại Ký. Biết tin bạn đã rời Nam Định vào định cư tại TP Hồ Chí Minh, bạn bè phía Nam chúng tôi rủ nhau tới thăm anh. Nhà Ký cũng chẳng khó tìm lắm, vì theo hướng dẫn của anh qua điện thoại, cứ đi thẳng đến một hẻm ở đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình, là tới. Nếu chưa thấy… thì hỏi người đi đường “nhà thầy giáo Ký? …”
Đúng là nhà thầy giáo Ký đây rồi! Không có chuông, chúng tôi gọi “Ký ơi” là đã thấy Ký từ trong nhà tung tẩy đi ra với chùm chìa khóa … trong miệng. Vừa vui cười chào bạn, bàn chân Ký vừa đón ngay chùm chìa khóa từ miệng rơi xuống và mở cửa. Khác với hàng tỷ ngôi nhà trên thế giới - cửa nhà của Nguyễn Ngọc Ký đặt ống khóa cách mặt đất khoảng hai tấc. Gặp nhau, các bạn trai giang tay ôm choàng lấy Ký. Còn Ký cảm động, thân mật dụi dụi chiếc cằm vào cổ bạn. Chúng tôi, những người bạn xấp xỉ lục tuần đã ngắm nhau bằng cặp mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Qua dòng nước mắt trong suốt ấm nóng, chúng tôi thấy lại tuổi đôi mươi trong trắng của mình, nhớ rõ một Nguyễn Ngọc Ký trong dáng thân cây thẳng, khẳng khiu đã vượt qua biết bao dông bão của cuộc đời.
Năm 1966, chúng tôi vào học năm thứ nhất Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Để tránh bom Mỹ đánh phá, lúc bấy giờ, theo lệnh của Trung ương, cũng như nhiều trường Đại học và các cơ quan khác đều phải sơ tán xa Thủ đô Hà Nội, Trường chúng tôi sơ tán tận xã Tràng Dương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cách Hà Nội 120 cây số. Tại nơi này, sinh viên chúng tôi phải đi lấy gỗ, tre, nứa trong rừng, trên núi cao về tự dựng nhà ở, lớp học; tự làm giường, làm bàn ghế để học. Lớp học của chúng tôi phải đào sâu gần hai mét dưới lòng đất, tránh rủi ro từ máy bay Mỹ ném bom. Ở giảng đường lòng đất đó, bạn bè chúng tôi yêu thương, gắn bó như anh chị em một nhà với biết bao kỷ niệm đẹp đẽ của một thời tuổi trẻ sinh viên.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký ký tặng sách cho bạn đọc
Ấn tượng Nguyễn Ngọc Ký với tôi thật sâu sắc, đặc biệt. Hôm ấy là buổi học đầu tiên của lớp về môn Văn học Trung Quốc. Thầy Hòa bước vào lớp, tất cả chúng tôi đứng dậy nghiêm trang chào thầy. Thầy tươi cười chào lại chúng tôi và vẫy vẫy tay cho phép chúng tôi ngồi xuống. Rồi bằng một giọng Bình Trị Thiên ấm áp, thầy nhẹ nhàng giới thiệu cho chúng tôi về môn học mới. Thầy vừa nói vừa nhìn bao quát khắp lớp. Bỗng mắt thầy dừng lại ở vị trí cuối lớp, sắc mặt ngỡ ngàng, giọng thầy nghiêm lại và nói như quát “Em kia! Sao giờ học mà ngồi lên bàn như thế ?!”
Tất cả chúng tôi đều giật mình chưa hiểu chuyện gì xảy ra và cùng quay nhìn về cuối lớp. Quả đúng là có một bạn trai ngồi trên bàn và đang rất lúng túng. Lúc ấy, anh lớp trưởng vội đứng lên thưa với thầy rằng, đó là bạn Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay, phải viết bằng chân. Lớp đã đóng cho bạn một bàn học đặc biệt, bạn phải ngồi lên bàn mới viết được…
Không khí lớp học im phăng phắc. Hơn tám chục trái tim như sững lại, dường như ngừng đập. Sau lời anh lớp trưởng, chúng tôi mới thở ra nhẹ nhõm. Còn thầy Hòa lại trở nên lúng túng và vô cùng xúc động. Thầy vội đi nhanh xuống cuối lớp ôm lấy Ký như nói lời xin lỗi. Sau tiết học, thầy Hòa lại ân cần đến bên Ký thăm hỏi với nỗi ân hận tưởng như không nguôi về lời trách cứ sai của mình chạm đến nỗi đau của một người học trò. (Về sau, bàn học của Ký được đưa lên hàng đầu của lớp…chắc là để tránh “lỡ”thêm một lần “sự cố” như vậy).
Thật sự là sau buổi học ấy, tôi mới biết rõ về Ký hơn. Bởi vì thời gian mới vào lớp, tôi chỉ biết chơi với các bạn gái. Và cũng vì chúng tôi là những Học sinh miền Nam trên đất Bắc. Một thời gian dài chúng tôi được sống và học tập trong các trường nội trú nữ Học sinh miền Nam, ít tiếp xúc với các bạn trai. Và, thậm chí cả nhiều bạn nam trong lớp cũng chẳng mấy để ý đến những điều khác lạ nơi Ký, vì trong sinh hoạt hằng ngày mọi việc hầu như Ký đều tự làm được tất cả.
Mấy năm học, gần Ký tôi càng hiểu thêm về bạn và càng khâm phục chàng trai có một nghị lực phi thường ấy. Dân gian có câu “Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”, sao Nguyễn Ngọc Ký sinh tuổi Đinh Hợi - năm 1947 mà có tuổi thơ đau khổ thế? Năm lên bốn tuổi, Ký bị bệnh, bại liệt cả hai tay. Thấy bạn bè cùng tuổi cắp sách đến trường, Ký háo hức lắm, hàng ngày đứng ngoài cửa lớp học mà nhìn…Thế rồi với khát khao cháy bỏng mong được đi học như các bạn, Ký đã mày mò tập viết bằng chân. Đôi chân tài hoa của vùng đất học Nam Định đã làm cho cuộc đời Ký trở thành huyền thoại. Và Nguyễn Ngọc Ký đã hai lần được Bác Hồ thưởng Huy hiệu.
Những năm học Đại học sơ tán nơi vùng rừng núi xa xôi ấy, đối với một người bình thường đã khó khăn vất vả rồi huống gì với Nguyễn Ngọc Ký. Đôi chân của Ký làm chúng tôi vừa tò mò vừa kinh ngạc. Chữ viết của Ký khá đẹp. Chữ của chúng tôi ghi bài thường viết tốc ký ngoáy tít, còn chữ của Ký nét tròn đều đặn, ngay hàng thẳng lối; những dòng đề bài hoặc những câu có nội dung nhấn mạnh cần nhớ đều được Ký cẩn thận gạch đít bằng bút màu đỏ. Trên bàn học của Ký, lúc nào cũng có một hộp đựng các loại bút màu và thước kẻ, bút chì, tẩy…để sử dụng khi cần. Ký học đạt loại khá, giỏi các môn học, và nhất là môn ngoại ngữ Nga văn được Ký tranh thủ học thuộc, học miệt mài suốt ngày một cách tự tin. Bằng đôi chân kỳ diệu của mình, Ký còn tự làm được mọi việc của một người lành lặn bình thường, kể cả việc giặt giũ và khâu vá quần áo... Ký còn biết làm cả những việc mà chúng tôi không làm được. Ai mà không trố mắt thán phục khi nhìn những ngón chân của Ký khéo léo “cầm” những cộng rơm vàng bé nhỏ xếp gọn lại và thoăn thoắt bện thành chiếc chổi rơm quét nhà. Chân Ký còn có thể uốn một miếng thiếc thành tấm chắn xinh xắn bao quanh chiếc đèn dầu, không để ánh sáng lọt rộng ra ngoài, sợ máy bay Mỹ phát hiện, chỉ chừa một cửa nhỏ xíu vừa đủ ánh sáng chiếu vào trang sách để đọc .
Sau mấy chục năm gặp lại, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Nguyễn Ngọc Ký thời sinh viên có bước đi mạnh mẽ, đọc tiếng Nga ra rả cả ngày, thường ca hát và có giọng cười rất vang. Giờ đây, cùng với giọng cười rất vang ấy, anh vui vẻ lấy bức ảnh gia đình chụp kỷ niệm 30 năm ngày cưới, giới thiệu với chúng tôi về người vợ hiền thục và ba người con đã trưởng thành cùng các cháu nội, cháu ngoại với niềm tự hào, mãn nguyện.
Ký kể, ngày tốt nghiệp ra trường, tháng 7 năm 1970, anh được vinh dự gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Theo lời khuyên dạy của Thủ tướng, anh về quê hương Nam Định dạy học. Anh vô cùng biết ơn quê hương đã tiếp tục nâng bước chân anh, chắp thêm cho anh đôi cánh tình yêu bay đến những chân trời cao rộng.
Các cháu của tác giả chụp ảnh kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Ngọc Ký
Cuộc đời của Nguyễn Ngọc Ký có biết bao chuyện lạ và thần kỳ. Ký đi học, Ký làm thơ, viết văn đều là những chuyện vừa lạ vừa thần kỳ. Những chuyện thần kỳ từ nghị lực phi thường của mình, anh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú, đã trở thành Nhà văn, nhà thơ với hàng chục đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu quý.
Trong cuộc trò chuyện vui vẻ, tiếng cười ấm áp ngôi nhà, Ký tặng tôi tập thơ “Khoảnh khắc” gồm một trăm bài tràn đầy nỗi niềm tâm sự:
Để thành ngọn lửa con
Nến tự thiêu mình trong nước mắt
Câu thơ cuộc đời - khoảnh khắc trăm năm
Trang bìa cuối tập thơ có in tấm ảnh vợ chồng anh nâng cốc rượu nồng, hai nụ cười tràn đầy hạnh phúc, chúc mừng nhau nhân kỷ niệm 30 năm ngày cưới. Phía dưới bức ảnh có hai câu thơ nồng nàn, chữ viết rất bay bướm từ đôi chân huyền thoại của anh:
Rưng rưng trong mỗi nỗi mừng
Có bao vị muối vị gừng em ơi.
Khi được hỏi về những công trình sắp tới, Nguyễn Ngọc Ký cười rất tươi, khoe với chúng tôi về hai tập truyện, ký của anh sắp ra lò là “Sự tích cây trứng gà” và “Những người thân yêu”. Và không giấu nổi một niềm vui lãng mạn thầm kín bấy lâu, anh bật mí một chút về tình yêu thời sinh viên của mình. Trong tập ký “Những người thân yêu”, Ký cho phép mình bộc bạch với bạn bè mối tình của anh với một người bạn gái cùng lớp. Ký dẫn chúng tôi vào phòng làm việc, nhanh nhẹn ngồi lên chiếc ghế đặt cao ngang màn hình máy vi tính. Năm ngón chân phải nắm lấy con chuột vi tính thao tác thoăn thoắt, thuần thục; rồi mỗi bàn chân của anh cầm một chiếc bút chì, đánh tanh tách vào bàn phím. Màn hình vi tính sáng trưng mở ra những trang chữ chi chít viết về nỗi lòng thổn thức một thời trai trẻ…
Thế đấy, đến tận bây giờ Nguyễn Ngọc Ký vẫn chưa thôi tiếp tục làm cho chúng tôi kinh ngạc về những khả năng và tâm hồn phong phú của anh.
Nghe những chuyện kỳ lạ về Nguyễn Ngọc Ký, chắc nhiều bạn cũng muốn hiểu thêm về cuộc sống hiện tại của anh. Nguyễn Ngọc Ký. Hằng ngày anh bận rộn với công việc của một cán bộ phòng Giáo dục quận, tư vấn về giáo dục và gia đình; ngoài ra anh lại còn được nhiều nơi mời nói chuyện về cuộc đời, về thơ văn… Anh tư vấn trực tiếp và cả qua điện thoại cho mọi người già trẻ, gái trai, đặc biệt là các bạn trẻ rất thích được tâm sự với Nguyễn Ngọc Ký, có cuộc trò chuyện điện thoại đến hơn hai giờ đồng hồ…
Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời nhà văn Trần Nhật Thu viết trong lời tựa cho tập “Khoảnh khắc” của Nguyễn Ngọc Ký: “Khoảnh khắc giữa vời vợi và kề cận biết thắng mình ấy, có thể đến với mọi người bất cứ lúc nào, không ai biết trước… Nhưng tôi tin rằng dù sao Nguyễn Ngọc Ký bằng kinh nghiệm sống và cả tâm hồn mình đã gieo vào lòng ta một ngọn lửa nho nhỏ… thế là đủ !”
BÙI THỊ XUÂN MAI