Tìm về dấu tích đền Chiêu Trung qua Di sản Mộc bản
Ðền Chiêu Trung - sau đổi tên là Hiển Trung (người dân địa phương quen gọi là miếu Song Trung, ở thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) - là nơi thờ hai vị trung thần Võ Tánh và Ngô Tòng Chu của nhà Nguyễn Gia Miêu. Ðây là một địa chỉ văn hóa độc đáo ở Bình Ðịnh. Qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn, cùng hiểu hơn về ngôi đền đặc biệt này.
1. Về lịch sử xây dựng đền, Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 26 ghi: Đền Chiêu Trung ở thôn Nam An, phía Bắc huyện Tuy Viễn. Đầu đời Trung Hưng, Hoài Quốc công Võ Tánh và Ninh Hòa Quận công Ngô Tòng Chu chịu lưu trấn thành Bình Định. Tướng giặc là bọn Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem hết đồ đảng đến vây thành. Hơn một năm, hai ông bám thành cố giữ, sau đó, bí mật dâng biểu khuyên vua nhân giặc sơ hở, đánh lại thành Phú Xuân. Nhà vua y theo. Bấy giờ, trong thành hết lương. Ngô Tòng Chu uống thuốc độc chết. Võ Tánh tự thiêu ở lầu Bát Giác. Sau khi lấy lại thành Phú Xuân, đem quân quay vào cứu Bình Định thì hai ông đã tử tiết rồi. Liền dựng đền thờ ngay chỗ lầu Bát Giác.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 26 ghi chép về đền Chiêu Trung, Bình Định. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Đến tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), để nhớ ơn các tướng sĩ đã chết vì việc nước, vua Gia Long đã xuống chiếu cho tỉnh Bình Định xây dựng 2 đền thờ, một đền là nhân nền cũ lầu Bát Giác ở trong thành (tức đền Chiêu Trung) và 1 đền nữa ở núi Độc Sơn, cửa biển Thị Nại, thờ Võ Di Nguy, Tống Viết Phước và những người chết trận từ Quảng Ngãi đến Thị Nại. Về việc này, Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 18, mặt khắc 6, 7 ghi: “Chiếu rằng: Khoảng các năm Kỷ Mùi, Canh Thân, trải bao năm dụng binh, các tướng sĩ theo trẫm ở Phú Yên và Bình Định, hoặc có kẻ giữ cô thành mà chết vì tiết nghĩa, hoặc có người ra trận đánh mạnh mà bỏ mình, một lòng nghĩa khí có thể đối với thần minh, trong buổi vội vàng chưa kịp nêu thưởng. Nay võ công đã định, bốn biển lặng trong, sự sùng báo là việc rất nên làm trước chết. Vậy hạ lệnh cho hai dinh lập miếu để thờ...”.
Một năm sau, tức năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long cho định lệ tế tự ở đền Chiêu Trung: “Định lệ tế tự... Nay ở Kinh chưa có miếu công thần, hãy tạm dùng đàn Tiên Sơn để tế. Còn ở ngoài thì miếu Hiển Trung Gia Định, miếu Hà Ra Sơn ở Diên Khánh, miếu Bát Giác đường và miếu Thị Nại ở Bình Định, miếu Cù Mông ở Phú Yên, đều lấy ngày canh hai, tháng trọng xuân và trọng thu để tế”.
Dưới triều các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và vua Tự Đức, đền Chiêu Trung là một ngôi đền lớn, thường xuyên luôn được triều đình chăm nom, tu bổ. Năm Tân Hợi (1851), vua Tự Đức đã cho đổi tên đền Chiêu Trung thành đền Hiển Trung. Điều này được ghi trong Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 26 rằng: Năm Tự Đức thứ 4, đổi tên hiện nay thành đền Hiển Trung.
2. Năm Bảo Đại thứ 13 (1938), sau khi trùng tu khu lăng mộ Võ Tánh, Phó bảng Biểu Xuyên Đào Phan Duân (người ở huyện Tuy Phước) viết một bài ký để ghi lại thịnh sự hiếm có này. Bài ký có đoạn: “...Ôi! Ai người chẳng chết? Chết mà có ích cho nước nhà, có lợi cho phong hóa tức là chẳng chết… Nay việc trùng tu đã xong, rửa tay đốt hương kính cẩn viết những nét đại cương, ngụ ý bày tỏ lòng kính ngưỡng bậc có công đức vĩ đại như núi cao đường lớn…”.
Năm 1947, đền Hiển Trung bị tháo dỡ cùng lúc với thành Bình Định để thực hiện kế hoạch “Tiêu thổ kháng chiến”. Được chính quyền kháng chiến thông báo, cụ Phó bảng Biểu Xuyên Đào Phan Duân kêu gọi thân hào nhân sĩ trong tỉnh về đền Hiển Trung dự lễ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, tại chánh điện, sau ba hồi chuông trống, cụ Biểu Xuyên dâng hương lên bàn thờ, xin phép hai ngài Võ Tánh và Ngô Tùng Chu được phá dỡ đền để đánh giặc Pháp xâm lược. Tất cả thân hào nhân sĩ lễ xong thì ra về, không ai ở lại vì không ai có đủ can đảm nhìn cảnh thanh niên cầm búa, xà beng phá dỡ đền. Vẫn biết, vì đại nghĩa cần phải hy sinh, nhưng chạm tới lòng tôn kính danh nhân, phá hủy nơi mà họ vừa chung công góp của trùng tu mới được 9 năm, họ không buồn sao được! Đền Chiêu Trung bị tháo dỡ, nhưng Bát Giác lầu, mộ Hậu Quân, cổng Tam quan, thành đá ong bao bọc vẫn còn, nhân dân Bình Định vẫn thường xuyên hương khói và tế lễ cho đến nay.
***
Một lòng tôn kính sự nghiệp của nhà Nguyễn Tây Sơn, nhưng cùng với đó đồng bào Bình Định vẫn kính ngưỡng và tri ân đối với Song Trung, những tướng lĩnh của phía đối địch, đây là tinh thần trượng nghĩa không dễ có. Từ hành xử đại nghĩa của một bậc trượng phu Trần Quang Diệu đến tấm lòng hoài niệm của người dân Bình Định xưa và nay đối với trung thần Võ Tánh, Ngô Tùng Châu là bài học luôn luôn mới đối với mọi thế hệ.
CAO THỊ QUANG