Các khoản thu đầu năm học 2022 - 2023: Tăng minh bạch để giảm bức xúc
Vào đầu năm học, ngoài các khoản mua sắm cho con em, phụ huynh còn quan tâm đến những khoản thu “đến hẹn lại lên”, gồm các khoản thu bắt buộc và đóng góp tự nguyện.
Tăng cường công tác quản lý các khoản thu trong nhà trường, chấm dứt tình trạng huy động đóng góp sai quy định, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn thực hiện các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu năm học 2022 - 2023. Riêng học phí, tỉnh quyết định giữ nguyên mức của năm học trước để chia sẻ “gánh lo” với phụ huynh sau dịch Covid-19. Để giảm bớt khó khăn cho học sinh và gia đình học sinh, các trường giãn thời gian thu học phí học kỳ I năm học vào những tháng cuối năm 2022. “Các trường phải công khai minh bạch với phụ huynh trước khi thu và trong quá trình chi tiêu các nguồn vận động quỹ nếu có” - Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn nhấn mạnh.
Giãn học phí, quy định 6 khoản thu
Cụ thể, ông Trương Văn Khải, Trưởng Phòng Kế hoạch- Tài chính (Sở GD&ĐT), cho biết, có 6 khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục được quy định mức tối đa theo Quyết định 49/2022/QĐ-UBND ngày 10.8.2022 của UBND tỉnh. Đó là: Nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non vào ngày thứ Bảy và trong thời gian nghỉ hè thu tối đa 30.000 đồng/trẻ/ngày; dịch vụ bán trú (không bao gồm tiền ăn) 150 nghìn đồng/học sinh/tháng; dạy thêm, học thêm trong nhà trường (THCS 7.000 đồng/học sinh/tiết và THPT 8.000 đồng/học sinh/tiết); hỗ trợ hoạt động dạy nghề phổ thông (hỗ trợ tiền mua phôi liệu dạy nghề đối với khối THCS là 20.000 đồng/học sinh/tháng và THPT là 30.000 đồng/học sinh/tháng); thi tốt nghiệp nghề phổ thông 60.000 đồng/học sinh/đợt; dạy trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh, dạy ngoại ngữ (môn tự chọn) và làm quen Tin học 10.000 đồng/học sinh/giờ (hoặc tiết học).
Dạy học Tiếng Anh ở lớp 1 tại Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn. Ảnh: M.H
Tại Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (Tuy Phước), các khoản thu khác được trường thực hiện theo quyết định 49/2022/QĐ-UBND và các hướng dẫn của ngành. Riêng khoản thu dạy học môn tự chọn Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường thu trên nguyên tắc thu đủ bù chi với 20.000 đồng/học sinh/tháng (quy ra 2.500 đồng/tiết/học sinh). “Mọi năm chưa có quyết định cụ thể mức thu, nhà trường thu theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có tài trợ về tổ chức hoạt động giáo dục dưới hình thức xã hội hóa trên nguyên tắc vận động đủ trả lương cho giáo viên. Năm học này, cụ thể 6 khoản thu ngoài học phí theo tôi là phù hợp vì đối với vùng kinh tế phát triển thu mức tối đa, còn đối với nông thôn thì thu thấp hơn, tùy theo từng địa phương”, Hiệu trưởng Giả Tấn Trọng cho hay.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát cho biết, Phòng GD&ĐT huyện đã hướng dẫn các khoản thu ngoài học phí trên cơ sở thực tế dạy học và các hoạt động giáo dục của các trường THCS, tiểu học, mẫu giáo. Theo đó, có 4 khoản thu cho các trường gồm khoản thu phục vụ cho hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non vào ngày thứ Bảy và trong thời gian nghỉ hè; dịch vụ bán trú (không bao gồm tiền ăn); dạy thêm, học thêm trong nhà trường khối THCS; dạy trẻ mẫu giáo làm quen Tiếng Anh và làm quen Tin học cho học sinh lớp 1, lớp 2.
Trường Mẫu giáo Cát Hanh (huyện Phù Cát) tổ chức 9 lớp bán trú, với mức thu tiền ăn bán trú 589 nghìn đồng/tháng/trẻ. Ảnh: M.H
Cô Lê Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cát Hanh (Phù Cát) cho biết, trường tổ chức 9 lớp bán trú, với mức thu tiền ăn bán trú 589 nghìn đồng/tháng/trẻ. Trường cũng đang đề nghị Phòng GD&ĐT huyện mở lớp dạy trẻ mẫu giáo làm quen Tiếng Anh.
Tăng cường kiểm soát quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh
Liên quan các khoản đóng góp tự nguyện nhưng thường gây nhiều tranh cãi vào mỗi dịp đầu năm học, đó là quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT cũng quy định rất rõ. Theo đó, chi phí hoạt động của ban đại diện phải thực hiện nghiêm túc theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Chi phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc, do cha mẹ học sinh đóng góp và do ban trực tiếp quản lý, sử dụng. Các trường chỉ đề xuất ý kiến để hỗ trợ cho phù hợp theo quy định.
Sở GD&ĐT tuyệt đối cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học; vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Đến thời điểm này, các trường trên địa bàn tỉnh tổ chức họp phụ huynh đầu năm học. Ông Huỳnh Châu Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) cho hay, trường đã đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh vận động xây dựng quỹ, tổ chức hoạt động theo đúng tinh thần tự nguyện, không đưa ra mức chuẩn cào bằng. Việc sử dụng quỹ do ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch.
Ngành giáo dục đã chỉ đạo xử lý tình trạng lạm thu, song vấn đề là cần tăng sự minh bạch để chặn lạm thu. Ông Đào Đức Tuấn nhấn mạnh, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi, nắm bắt phản ảnh của phụ huynh qua nhiều kênh để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với các trường tự đặt ra những khoản thu trái quy định. Trường hợp phát hiện đơn vị nào thực hiện sai các khoản thu (như đã cam kết) trong nhà trường so với quy định của cấp có thẩm quyền sẽ kiến nghị UBND tỉnh có hình thức xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục cố ý thực hiện trái với quy định của nhà nước.
MAI HOÀNG