Sẽ “cứng hóa” bu lông lan can QL 19 mới
Trước đây, Báo Bình Định đã phản ánh việc một số hộ dân 2 bên tuyến QL 19 mới (qua địa bàn TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước) tự ý phá dỡ hộ lan bằng tôn lượn sóng để mở lối đi vào nhà, khu dân cư, cơ sở sản xuất… Hành vi này không chỉ xâm hại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mà còn gây mất ATGT, nguy cơ xảy ra TNGT. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý và xây lắp lại. Tuy nhiên, gần đây lại tái diễn tình trạng trên.
Theo xác nhận của lãnh đạo xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) và phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), trên tuyến QL 19 mới qua địa bàn có 10 điểm tháo dỡ tôn lượn sóng dải phân cách. Việc tháo dỡ có dấu hiệu để mở đường vào khu đất bên trong và vào nhà, hàng quán... Địa phương đã phát hiện, báo cáo với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Công nhân Công ty CP Giao thông thủy bộ Bình Định tiến hành hàn chết và cứng hóa các bu lông tại vị trí người dân tự mở để làm lối đi. Ảnh: V.LƯU
Về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho hay: Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, Sở đã xác định 10 điểm mở làm lối đi, trong đó có 4 điểm được cơ quan có thẩm quyền cho mở để thi công dự án nhằm phát triển KT-XH của địa phương, 6 điểm còn lại người dân tự mở làm lối đi vào nhà, hàng quán.
Trước đây, tại một số cuộc tiếp xúc cử tri, người dân ở các địa phương trên đã kiến nghị cần mở lối đi. Tuy nhiên, qua xem xét của ngành chức năng, kiến nghị của người dân là không thỏa đáng; vì tuyến đường này cho phép xe lưu thông với tốc độ cao, nếu cho phép mở lối đi rất nguy hiểm, dễ gây mất ATGT. Hơn nữa, khi xây dựng tuyến QL 19 mới, theo thiết kế ban đầu, tất cả khu vực có nhà dân đều xây dựng đường gom dân sinh. Tuy nhiên, do đi lại khá xa, nên người dân lén lút mở lối đi riêng bằng cách tháo dỡ hộ lan mềm.
Cũng theo ông Tuấn, quản lý hành lang đường bộ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn là một trong những công việc cực kỳ khó. Trường hợp người dân lấy đi hoặc hủy hoại tài sản, Sở sẽ báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
“Trong quá trình khai thác, sử dụng, chúng tôi yêu cầu chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không phá dỡ. Trước mắt, giao cho Công ty CP Giao thông thủy bộ Bình Định đóng toàn bộ hộ lan mềm bằng cách hàn chết và cứng hóa các bu lông tại các vị trí mà lâu nay người dân tự mở để làm lối đi, không để tình trạng trên tái diễn, dễ xảy ra TNGT”, ông Tuấn thông tin.
Theo ý kiến của luật sư Nguyễn Thế Vũ (Văn phòng luật sư Nam Luật), việc người dân tự tiện tháo dỡ hộ lan quốc lộ khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thế nhưng, người dân vẫn ngang nhiên tháo hộ lan mềm để làm lối đi nhưng không bị xử lý, cơ quan chức năng phát hiện lắp lại. Điệp khúc này cứ tái diễn, liệu có dẫn đến nhờn luật?
Hành vi tự ý san lấp mặt bằng, lấp cống thoát nước, tháo dỡ hộ lan tôn sóng (hộ lan mềm) trong hành lang ATGT làm thay đổi dòng chảy và mất ổn định kết cấu nền đường đã vi phạm khoản 6 Điều 12 và khoản 4 Điều 15 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của các địa phương, được quy định tại Điều 41 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24.2.2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
VĂN LƯU