Công tác phòng, chống thiên tai ở Hoài Ân: Chu đáo, bám sát thực tế địa phương
Để ứng phó với mưa bão, huyện Hoài Ân xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với thực tế địa phương, bám sát và thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm kéo giảm thiệt hại.
Trong phòng, chống thiên tai, yếu tố phòng ngừa luôn được coi trọng, phòng ngừa tốt thì khả năng ứng phó tăng lên, thiệt hại kéo giảm và công tác khắc phục sau thiên tai sẽ tốt hơn. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân Võ Duy Tín, Phó trưởng ban Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT- TKCN&PTDS) huyện, cho biết: Bão Noru (bão số 4) may mắn không ảnh hưởng trực tiếp vào tỉnh ta, song công tác ứng phó với bão Noru cho chúng tôi thêm kinh nghiệm, bài học để triển khai tốt hơn phương án “4 tại chỗ”. Từ đợt “diễn tập” vừa qua, Hoài Ân có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, giúp điều chỉnh các phương án ứng phó để tăng hiệu quả phòng ngừa, kéo giảm thiệt hại sau thiên tai.
Lực lượng chức năng huyện Hoài Ân giúp người dân chằng chống nhà cửa trong đợt ứng phó với bão số 4 vừa qua. Ảnh: VÕ DUY TÍN
Theo đó, Hoài Ân hoàn thiện phương án PCTT-TKCN tập trung vào yếu tố phòng ngừa trước tiên. Huyện xây dựng kế hoạch di dời dân với 1.352 hộ ở các vùng nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở trong huyện; căn cứ vào dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh và các thông tin từ Ban chỉ huy PCTT- TKCN&PTDS tỉnh, Hoài Ân kích hoạt các phương án ứng phó theo cấp độ đã được xây dựng. Rà soát các điểm cảnh báo sạt lở, nguy cơ sạt lở; kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đặc biệt là không cho các hồ xung yếu tích nước để đảm bảo an toàn. Mưa lũ diễn biến ngày càng phức tạp, do vậy công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ phải chu đáo.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT- TKCN &PTDS tỉnh, qua kiểm tra thực tế, công tác PCTT-TKCN năm 2022 được UBND huyện Hoài Ân chuẩn bị chu đáo. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn. Chúng tôi ghi nhận các đề xuất, kiến nghị từ địa phương báo cáo trình UBND tỉnh xem xét chỉ đạo, định hướng phù hợp.
Ngay khi Bình Định kích hoạt phương án ứng phó với thiên tai cấp độ rủi ro cấp 4 đối với bão Noru, Hoài Ân triển khai ngay lực lượng, phương tiện ứng phó. Theo đó, huyện rà soát bổ sung và thông báo 15 đội xung kích của các xã, thị trấn (82 tổ) với 926 thành viên đã được thành lập, triển khai đến các địa bàn thôn giúp nhân dân chằng chống nhà cửa và cắt tỉa cây xanh. Huyện đã xuất cấp hơn 200 áo phao và 10.000 bao cát cho các địa phương để hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa. Hướng dẫn và hỗ trợ di dời 1.352 hộ dân đang ở vùng trũng thấp, sạt lở; cử lực lượng xung kích ứng trực các điểm nguy cơ cao và kiểm tra an toàn hồ đập…
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện, năm nay Hoài Ân lo nhất là sạt lở, đặc biệt là sạt lở ở các khu vực rừng sản xuất đang vào mùa khai thác. Trước mắt đối với các vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở vào mùa mưa lũ, huyện đã rà soát và cảnh báo, tổng hợp đầy đủ danh sách người dân ở khu vực này và bố trí phương án di dời phù hợp. Về lâu dài, Hoài Ân xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích rừng phòng hộ bằng cách chuyển đổi rừng sản xuất ở các khu vực hồ chứa, trồng thêm cây bản địa ở đây để đảm bảo an toàn cho hồ, ngăn chặn sạt lở. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hoài Ân xây dựng chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho 5 hồ chứa lớn. Đề xuất hỗ trợ xây dựng 2 nhà tránh trú bão cộng đồng kiên cố ở Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây, bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác PCTT-TKCN.
“Ứng phó thiên tai là giải pháp cấp bách, phòng ngừa luôn là giải pháp được khuyến khích để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tiềm lực của địa phương chưa đủ mạnh để triển khai đồng bộ, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hoài Ân chú trọng đầu tư cho những công trình, hạng mục cấp thiết với công tác PCTT-TKCN, quan tâm và chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, giữ rừng đầu nguồn”, ông Khúc cho hay.
THU DỊU