Học sinh dân tộc nội trú “nói không với tảo hôn”
Diễn đàn “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Định vừa diễn ra vào tối 26.9. Thông qua các phần thi, học sinh dân tộc thiểu số đã thể hiện nhận thức, các thông điệp gần gũi, tươi trẻ, đa màu sắc về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Diễn đàn “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Định thu hút sự tham gia cổ vũ của hơn 300 học sinh. Đây là hoạt động thuộc Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025” (giai đoạn II) do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Định triển khai.
Không có báo cáo viên và những bài tuyên truyền, sân khấu của Diễn đàn hoàn toàn thuộc về các học sinh. Mỗi em là một tuyên truyền viên tích cực, thể hiện cách hiểu, cách nghĩ, nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống-những hậu quả, câu chuyện đằng sau mỗi thân phận là nạn nhân của tập tục lạc hậu này - qua 4 phần thi: Chào hỏi, Kiến thức, Tiểu phẩm, Trả lời tình huống.
Thu hút sự hưởng ứng và cổ vũ nhiệt tình nhất của phần đông học sinh là phần thi Tiểu phẩm đến từ 3 đội: Mị trẻ, Đoàn kết, Diêu bông. Với tiểu phẩm “Đường sáng tương lai”, đội Diêu bông phác họa chân thực câu chuyện của cô gái H’lan. H’lan chỉ mới 15 tuổi nhưng bị người cha cộc cằn, độc đoán ép đi lấy chồng với lý do “nhà người ta giàu, có nhiều rẫy, nhiều bò, không sợ khổ”. Lời của H’lan khi có cán bộ, cô giáo, bạn bè đến nhà làm thổn thức người xem: “Cán bộ ơi, đừng về! Ở lại giúp em với! Em muốn đi học”.
Câu chuyện của H’lan trong tiểu phẩm của đội Diêu bông đã để lại nhiều suy ngẫm cho người xem. Ảnh: N.M
Đinh Văn Nghiệp (lớp 12A1, dân tộc Bana) cho biết: “Chúng em đã chuẩn bị cho tiểu phẩm trong 2 tuần. Mỗi thành viên trong đội đều cố gắng làm tròn vai diễn của mình, để lại thông điệp ý nghĩa. H’lan đau khổ, mong có phép màu xảy ra. Mẹ H’lan lo lắng cho H’lan sẽ có số phận giống chị gái - người đã kết hôn khi vừa 14 tuổi, vất vả với cuộc sống vợ chồng khi còn quá nhỏ; bà phản kháng nhưng không đủ quyền lực trong gia đình…”.
Với tiểu phẩm “Hãy dừng lại khi còn chưa muộn”, đội Đoàn kết kể câu chuyện về tục hứa hôn với người cùng huyết thống và hệ quả của nó. Cô gái người Bana 15 tuổi bị gia đình ép gả cho con trai của người bác ruột vì tục hứa hôn đã cùng quẫn tìm đến cái chết, may mắn được cứu sống bởi những người tốt bụng. Cô giáo đã tìm đến nhà cô gái, dẫn ra hàng loạt những câu chuyện về hệ quả của hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn để thuyết phục gia đình.
Nguyễn Thị Phương Nam (lớp 12A2, dân tộc Bana) cho biết: “Tiểu phẩm được lên ý tưởng dựa trên một phần câu chuyện có thật của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2018 H’Hen Niê. Chúng em thật sự mong các cô gái người đồng bào dân tộc thiểu số đều có được cơ hội thực hiện ước mơ của mình”.
Đảm nhận vai Nụ trong tiểu phẩm “Xóa nạn tảo hôn, đưa cái chữ về làng” của đội Mị trẻ, Đoàn Ngọc Quyên (lớp 10A3, dân tộc Chăm) nói: “Tảo hôn dẫn đến đói nghèo, lạc hậu; cuộc sống của người tảo hôn vất vả, khi chưa đủ điều kiện, kiến thức để lo cho gia đình đã phải quanh quẩn với chồng con. Em mong sẽ không còn những cô gái giống như Nụ; ai cũng có cơ hội được học hành như chúng em”.
Cô Võ Thị Bích Lệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Định, chia sẻ: “Ngoài diễn đàn, hằng tháng, tổ tư vấn tâm lý của trường gặp gỡ, tư vấn cho các em về sức khỏe sinh sản, các đổi thay trong tâm sinh lý tuổi mới lớn, tháo gỡ cho các em về những vấn đề nhạy cảm, riêng tư, lồng ghép về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Giáo viên bộ môn Sinh, Giáo dục công dân, giáo viên chủ nhiệm… cũng khéo léo tích hợp nội dung này vào các giờ học, giờ sinh hoạt lớp”.
NGUYỄN MUỘI