Chỉ vì lòng tham
Ngày 29.9, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 15 năm tù giam đối với bị cáo Trần Quốc Sâm (SN 1984, ở huyện Hoài Ân) phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Vợ Sâm là Nguyễn Thị Cẩm Nhung (SN 1987, ở cùng địa phương) với vai trò đồng phạm cũng chịu mức án 12 năm 6 tháng tù giam.
Đứng trước bục khai báo, vợ chồng bị cáo Sâm chỉ biết cúi đầu, xin những nạn nhân đã bị mình lừa tha thứ và xin khất trả nợ.
Theo cáo trạng, do áp lực phải trả nợ cho nhiều người, vợ chồng Sâm bàn nhau đặt làm 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất giả; dùng các giấy tờ giả này để thế chấp cho nhiều người vay tiền, sử dụng số tiền vay đó để trả nợ và tiêu dùng. Với thủ đoạn này, từ tháng 9.2020 đến tháng 6.2021, vợ chồng Sâm đã vay của 4 người với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng và chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng.
Ân hận với những gì mình đã làm, suốt phiên xử, vợ chồng bị cáo Sâm đều cúi gầm mặt. Ảnh: K.A
Tại tòa, Sâm thừa nhận: “Dù không có điều kiện kinh tế, nhưng lại muốn có đất, có nhà và cả vốn để kinh doanh nên bị cáo đã nghĩ ra thủ đoạn gian dối này. Vì bị cáo không rành mạng xã hội nên đã nói vợ tìm hiểu và đặt làm giấy tờ giả để thuận tiện cho mục đích lừa đảo của mình”.
Nhằm dễ dàng lấy được tiền của nhiều người, vợ chồng Sâm đưa ra mức lãi suất từ 7,5 - 30%/ tháng, thời gian vay ngắn, từ 20 ngày đến 2 tháng. Lý do vay mà vợ chồng Sâm đưa ra để lừa các bị hại là cần tiền gấp để đặt cọc mua đất, mua nhà; nhưng thực tế sau khi lấy được tiền thì dùng để chi trả các khoản nợ cũ và tiêu dùng cá nhân. Trong các giao dịch vay tiền, vợ chồng Sâm đều viết sẵn giấy mượn tiền giao cho bị hại giữ nhằm tạo lòng tin.
“Thấy vợ chồng Sâm đưa giấy tờ nhà đất do cả hai đứng tên nên tôi tin tưởng, chứ có ngờ đâu đó là giấy tờ giả. Đây cũng là bài học cho tôi vì đã quá tin tưởng và không tìm hiểu kỹ, giờ chỉ mong vợ chồng Sâm trả lại đủ số tiền vay gần 500 triệu của tôi mà thôi”, một nạn nhân của vợ chồng Sâm bày tỏ nguyện vọng khi được Hội đồng xét xử hỏi.
Chia sẻ những tổn thất với các bị hại, song đại diện viện kiểm soát giữ quyền công tố tại phiên tòa này cũng thẳng thắn chỉ rõ chính sự nhẹ dạ, cả tin, ham lãi suất cao và không thận trọng kiểm tra tính thật - giả của các giấy tờ mà các bị hại đã khiến mình trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo.
Sau quá trình tranh tụng, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của vợ chồng bị cáo Sâm là rất nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác; đồng thời xâm phạm trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương; gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân. Vợ chồng bị cáo Sâm đều ý thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác và làm giấy tờ giả là vi phạm pháp luật nhưng vẫn bất chấp thực hiện. Do đó, cần xử bị cáo mức án thật nghiêm nhằm cải tạo, giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung.
Với nhận định trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Sâm 12 năm tù giam, bị cáo Nhung 10 năm tù giam cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Sâm 3 năm tù giam, Nhung 2 năm 6 tháng tù giam cùng về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Vậy mới thấy, cuộc sống đủ đầy là ước mong chính đáng, nhưng cách mà vợ chồng Sâm thực hiện ước mong đã khiến họ phải trả giá bằng chính sự tự do của mình. Và, đáng buồn hơn là 2 đứa con thơ của họ sẽ thiếu đi sự quan tâm, vỗ về và vòng tay ấm của cha mẹ trong một thời gian dài, bởi chính sự dối trá và tham lam của họ!
KIỀU ANH