VÐV điền kinh người khuyết tật Trần Văn Nguyên: Hạnh phúc khi được thi đấu và cống hiến
Thiếu hóc môn bẩm sinh nên VÐV Trần Văn Nguyên chỉ cao gần 1,29 m. gắn bó với thể thao, với ý chí và nghị lực vượt khó, anh đã gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào trên đấu trường quốc tế.
Giàu thành tích
Trần Văn Nguyên sinh năm 1990 ở thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân. Học hết cấp 3, Nguyên theo học ngành Điện tại Trường CĐ Nghề Quy Nhơn (nay là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn). Khi làm việc tại một DN ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Nguyên có “cơ duyên” được tuyển chọn vào Đội tuyển thể thao người khuyết tật (NKT) ở TP Hồ Chí Minh từ năm 2017, tập luyện, thi đấu môn điền kinh (ném lao, đẩy tạ). Anh sớm tạo ấn tượng khi đoạt nhiều thành tích cao, được triệu tập vào Đội tuyển điền kinh NKT Việt Nam, từ đó tỏa sáng trên đấu trường quốc tế.
Niềm vui của VĐV Trần Văn Nguyên khi đoạt thành tích cao tại Đại hội Thể thao người NKT Đông Nam Á lần thứ 11 tổ chức tháng 7.2022 tại Indonesia. Ảnh: NVCC
● Đến nay, anh đã đoạt hơn chục huy chương tại các giải thể thao ở Đông Nam Á, châu Á. Chắc hẳn, đó là kết quả của rất nhiều nỗ lực?
- Nhìn lại quá trình tập luyện, thi đấu của mình, tôi cho rằng chẳng có sự may mắn nào dẫn đến thành công trong thể thao, nếu không có sự nỗ lực khổ luyện, kiên trì hướng đến mục tiêu chinh phục những đỉnh cao. Việc tập luyện ở đội tuyển điền kinh người NKT Việt Nam vốn có cường độ rất nặng, nhất là khi “nhồi bài” trong giai đoạn chuẩn bị thi đấu quốc tế. Có nhiều buổi tập về, toàn thân tôi đau nhức, cầm chén cơm lên mà ăn cũng không nổi. Tôi quyết tâm vượt qua khó khăn để khẳng định mình và đóng góp vào thành công chung của đội tuyển.
● Nỗ lực vượt qua khó khăn mà anh chia sẻ có lẽ phải tăng gấp bội trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp?
- Vì đại dịch Covid-19, nhiều giải thể thao không tổ chức, VĐV vẫn nỗ lực tập luyện nhưng không được thi đấu phần nào ảnh hưởng đến động lực và phong độ.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thành viên đội tuyển chúng tôi phải ở lại tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh suốt cả hai tháng rưỡi mới được về nhà, trong lòng “nóng như lửa đốt”, lo cho vợ con trước hiểm nguy của dịch mà không có mình bên cạnh. Trước khó khăn, thử thách, chúng tôi càng phải quyết tâm hơn để vượt qua. Nhờ vậy mới gặt hái được nhiều thành công tại các giải đấu quốc tế đã được tổ chức trong năm 2022.
● Cụ thể, thành tích trong năm 2022 của anh có những dấu ấn nổi bật nào, thưa anh?
- Tại giải điền kinh dành cho NKT thế giới 2022 (World Para Athletics Grand Prix 2022) khu vực châu Á tổ chức tại Tunisia cuối tháng 6.2022, đoàn thể thao NKT Việt Nam tham dự với 6 VĐV, đoạt 2 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ. Trong đó, có phần nỗ lực đóng góp của tôi với 1 HCV (môn ném lao hạng thương tật F40) và 1 HCB (môn ném tạ hạng thương tật F40).
VĐV Trần Văn Nguyên (người phía trước đứng giữa) đoạt HCV môn ném lao tại giải điền kinh dành cho NKT thế giới 2022 khu vực châu Á tổ chức tại Tunisia cuối tháng 6.2022. Ảnh: NVCC
Tại Đại hội Thể thao NKT Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 10 năm 2017 tổ chức tại Malaysia, tôi đã đoạt 2 HCV môn ném lao, đẩy tạ (hạng F40, VĐV có chiều cao từ 1,3 m trở xuống). Do ảnh hưởng dịch nên phải 5 năm sau, ASEAN Para Games lần thứ 11 mới được tổ chức tháng 7.2022 tại Indonesia. Ở Đại hội này, Ban tổ chức cho VĐV hai hạng F40 và F41 (VĐV có chiều cao từ 1,3 - 1,4 m) thi đấu chung. VĐV F41 cao hơn nên sải tay cũng dài tạo lợi thế hơn VĐV F40. Thêm cạnh tranh quyết liệt, tôi càng thi đấu với quyết tâm cao nhất, đoạt được 2 HCV môn ném lao và môn ném đĩa, 1 HCB môn đẩy tạ.
Vững bước từ đam mê
● Anh vinh dự khoác áo Đội tuyển điền kinh NKT Việt Nam, đoạt nhiều thành tích cao tại các giải quốc tế. Nguồn thu nhập từ thể thao thành tích cao có giúp anh ổn định cuộc sống?
- Sau khi trừ các khoản dành cho tiền ăn khi tập trung tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh, đóng BHYT…, tôi nhận được chỉ khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Số tiền này cố gắng gói ghém cũng chỉ tạm đủ trả tiền phòng trọ nhỏ gia đình tôi thuê ở tận huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), tiền ăn, tiền sữa cho con, tiền xăng xe đi lại của mình... nhưng nhiều khi cũng còn thiếu.
Đạt thành tích tại các giải quốc tế được khen thưởng, nhưng mức thưởng cho tấm HCV của VĐV NKT cũng thấp hơn nhiều so với VĐV bình thường. Sau mấy năm gián đoạn vì dịch Covid-19, năm nay tôi mới được dự giải và đoạt thành tích cao, nhờ vậy cũng có khoản tiền thưởng để dành cho những việc cần thiết của gia đình.
● Xác định sống trọn với đam mê thì phải chật vật, có khi nào anh thấy mình sai lầm khi lựa chọn theo thể thao chuyên nghiệp?
- Cách đây hơn 5 năm, khi còn làm tại một DN điện ở huyện Củ Chi, đều đặn cuối buổi chiều hằng ngày sau khi xong việc, tôi lại chạy xe vượt đường xa đến SVĐ Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh) để tập luyện, đến 21 giờ lại chạy về, chỉ có ít thời gian để nghỉ ngơi. Khi đó, người quản lý chỗ tôi làm hứa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôi để vừa làm việc vừa luyện tập. Nhưng khi được chọn vào Đội tuyển thể thao NKT TP Hồ Chí Minh chuẩn bị thi đấu giải quốc gia, tôi quyết định nghỉ hẳn công việc để tập trung tập luyện. Thật khó khăn để đưa ra quyết định, bởi trong thời gian không tập luyện và thi đấu, tôi không nhận được chế độ nào để có thu nhập, phải làm nhiều công việc thời vụ khác để kiếm sống…
Nhắc lại chuyện này để thấy rằng, một khi mình đã lựa chọn điểm “rẽ ngang” trên đường đời thì phải luôn kiên trì, quyết tâm theo đuổi đến cùng. Đến nay, tôi thực sự đam mê, gắn bó máu thịt với điền kinh, cảm thấy hạnh phúc khi được cống hiến, góp phần đem vinh quang về cho Tổ quốc.
Hiện nay, tôi cùng một số thành viên trong đội tuyển đang tích cực tập luyện để chuẩn bị hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn; phải nỗ lực nhiều hơn với hy vọng đủ chuẩn dự Paralympic Paris 2024. Chặng đường khó khăn, thử thách phía trước còn dài, tôi luôn quyết tâm chinh phục những đỉnh cao mới…
Vượt qua định kiến, dệt tình yêu đẹp
Trần Văn Nguyên còn được nhiều người biết đến khi vợ chồng anh được mời tham dự chương trình “Mảnh ghép hoàn hảo” trên VTV9 cách đây hơn 2 năm. Dù ban đầu bị gia đình anh phản đối quyết liệt, từ năm 2017, Nguyên vẫn quyết định “yêu đến cùng” chị Thu Đông cũng là NKT như anh nhưng còn thấp bé hơn; từng lập gia đình và có con gái riêng, lại hơn anh đến 5 tuổi.
● Vượt qua nhiều khó khăn để xây tổ ấm, đâu là động lực để anh chấp nhận “thiệt thòi hơn” trong cuộc hôn nhân này?
- Xin “đính chính” với anh, tôi không hề cảm thấy thiệt thòi, chỉ thấy hạnh phúc! Người thiệt thòi phải là vợ tôi. Đồng cảm, thật sự yêu nên tôi đến với cô ấy bằng tất cả sự chân thành, luôn quan tâm chăm sóc, chia sẻ, nhường nhịn… đồng thời luôn xem con riêng của vợ như con ruột của mình.
Hai vợ chồng tôi đã có cậu con trai được ba tuổi rưỡi. Bé cũng mang gen “lùn bẩm sinh” giống ba mẹ, tên khai sinh là Trần Văn Khôi, nhưng tên gọi ở nhà là Gold (vàng) vì con sinh ra đúng vào lúc tôi đoạt HCV ở một giải đấu quốc tế. Từ khi có cháu trai, gia đình bên nội cũng dần thấu hiểu, nên vợ chồng tôi thêm hạnh phúc.
Vợ tôi đang mang bầu con thứ hai được 7 tháng, càng vui khi qua siêu âm ban đầu bác sĩ nói con sẽ phát triển như người bình thường. Vợ tôi thêm nhiều vất vả khi chồng phải tập trung tập luyện cách nhà gần 40 km, đến cuối tuần mới được về nhà, nhưng luôn chia sẻ, ủng hộ chồng. Điều này khiến tôi càng thêm yêu thương, trân trọng vợ.
● Cảm ơn anh. Chúc anh thành công hơn trong sự nghiệp thi đấu, gia đình luôn hạnh phúc!
HOÀI THU (Thực hiện)