Nhân 154 năm ngày giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực: “Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”
Ngay dưới chân hòn Vọng Phu ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, vào năm 2020, tỉnh Bình Ðịnh dành một khuôn viên khoáng đạt dựng khu đền thờ Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868), thỏa ước lòng dân nguyên quán vị anh hùng.
Miền đất võ Bình Định có những đường dây kết nối diệu kỳ với phương Nam, qua Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ và các tướng sĩ Tây Sơn với Rạch Gầm Xoài Mút, qua Thiên Hộ Dương với Đồng Tháp Mười, qua Nguyễn Trung Trực với “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”…
1. Nguyễn Trung Trực là một thủ lĩnh nghĩa binh chống thực dân Pháp xâm lược lẫy lừng. Ông sa vào tay giặc và bị hành hình khi mới tròn 30 tuổi, nhưng nhân dân tôn thờ ông với danh xưng “Cụ Nguyễn”-“Dù ai buôn bán gần xa/Ngày giỗ cụ Nguyễn chúng ta cùng về”. Thời nước mất nhà tan, họ che mắt giặc bằng cách thờ cúng ông chung với Nam Hải Đại Tướng Quân (Kiên Giang), hay chung với thờ Thần Nông (Hậu Giang)… Ngôi đình đầu tiên thờ Nguyễn Trung Trực là đình thần Nguyễn Trung Trực ở TP Rạch Giá (Kiên Giang). Từ ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, dù trong hoàn cảnh nào, dân gian cũng tín niệm hương khói, qua các giai đoạn lịch sử đến giờ nơi này trở thành lễ hội thu hút sự chiêm quan của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra 3 ngày 26, 27, 28 tháng Tám âm lịch.
Ở miền Nam riêng tỉnh Kiên Giang đã có 14 nơi dựng đền thờ tự Nguyễn Trung Trực. Ở huyện Tân Trụ tỉnh Long An, cạnh vàm sông Nhật Tảo, nơi diễn ra trận thủy chiến lẫy lừng đốt tàu Espérance (Hy vọng, tháng 12.1861) có đền thờ và tổ chức ngày giỗ Nguyễn Trung Trực vào ngày 11, 12 tháng Chín âm lịch. Ở Xóm Nghề, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An- nơi ông sinh ra - ngoài ngày giỗ còn có ngày kỷ niệm xuất binh theo di ngôn ông lúc sinh thời, không những tập trung con cháu trong dòng tộc mà đông đảo cư dân trong vùng.
Ở Phú Quốc người dân còn thờ cả vợ con ông, cư dân ra khơi thì đến vọng cầu, cập bến thì về dâng cúng. Dân gian có nhiều truyền thuyết về ông, thành kính bất tử hóa một anh hùng sống chết vì dân, từ hành trạng hoạt động đến bước chân lên đoạn đầu đài ngày 17.10.1868 (ngày 12 tháng Chín Mậu Thìn), tất cả đều được dân gian thiêng hóa.
Thống kê chưa đầy đủ cho biết có khoảng bốn chục đình, đền thờ Nguyễn Trung Trực ở các tỉnh từ An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Long An... Ngoài ra, có nhiều nơi thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực chung trong đình thần hoàng, tích hợp nghi thức thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với các tín ngưỡng dân gian như tín ngưỡng thờ Ngũ Hành nương nương, thờ thần bản thổ bảo hộ phum sóc của người Khmer Neak Tà, thờ các anh hùng nghĩa sĩ vị quốc vong thân hoặc các danh nhân khác… Hoặc Phật Giáo Hòa Hảo tôn vinh ông là Thượng Đẳng Đại Thần nên có dinh thờ Quan Thượng Đẳng Nguyễn Trung Trực ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Huyền thoại Nguyễn Trung Trực dạng huyền thoại “sinh vi tướng tử vi thần”, một vị tướng soái của lòng dân, do nhân dân tôn vinh, một thượng đẳng linh thần của tín ngưỡng dân gian, trường tồn cùng non sông đất nước.
2. Tương truyền gia đình Nguyễn Trung Trực từ Xóm Lưới, xã Cát Hải, huyện Phù Cát di cư vào Nam từ cuối thế kỷ XVIII, đời ông nội, đến năm 1838 ông ra đời là đời thứ 3 họ Nguyễn từ miền đất võ Bình Định. Vào đời năm 20 tuổi đúng lúc nước nhà nguy biến, Nguyễn Trung Trực liền nhập cuộc, trở thành thủ lĩnh kiệt xuất bên cạnh những anh hùng kháng Pháp thời kỳ này ở Nam Kỳ như: Võ Duy Dương (tức Thiên Hộ Dương), Trương Định, Nguyễn Hữu Huân (tức Thủ Khoa Huân)… Tính cách và hành trạng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tiêu biểu cho cốt cách phẩm chất cương trực hào sảng của người dân Nam Bộ.
Khí chất ông là khí chất của một hào kiệt với đầy đủ mọi phẩm hạnh cao quý khiến đương thời và hậu thế tôn kính. Danh sĩ đương thời Nguyễn Thông nhận xét về ông: “thâm trầm, nghiêm nghị và can đảm”, còn Giám đốc nha Nội vụ Pháp (Directeur de l’intérieur) Paulin Vial là kẻ thù thừa nhận “thông minh và đầy thiện cảm”, “rất tự trọng, có tư cách đáng quý và đầy nghị lực”.
Du khách tham quan Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo ký ức dân gian, buổi sáng ngày thực dân Pháp đưa ông đi hành hình, nhân dân Tà Niên mang chiếu hoa có dệt chữ thọ rải trên đường ông đi qua, Nguyễn Trung Trực bảo giặc tháo dây trói, bỏ khăn bịt mắt để ông nhìn non nước, đồng bào và đã khẳng khái ngâm bài thơ tuyệt mệnh: “Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên/ Yêu gian đảm khí hữu long tuyền/Anh hùng nhược ngộ vô dung địa/Báo hận thâm cừu bất dới thiên” (Bản dịch của thi sĩ Đông Hồ: Theo việc binh nhung thuở trẻ trai/ Phong trần hăng hái tuốt gươm mài/Anh hùng gặp phải hồi không đất/Thù hận chang chang chẳng đội trời). Trước lúc đầu rơi, ông để lại câu nói chí khí ngút trời, vỗ mặt Thống Soái Nam Kỳ lúc bấy giờ là Chuẩn đô đốc Marie Gustave Hector Ohier: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
***
Tựa lưng vào Núi Bà, mặt hướng ra biển Đông, bên phải liên hoàn với chùa Ông Núi danh bất hư truyền và kiến trúc mới là Thiền viện Thiên Hưng với hơn 600 bậc đá lên tượng Phật ngồi, bên trái là đèo dốc ngoạn mục, Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ngoài ý nghĩa tâm linh còn là địa điểm du lịch văn hóa ấn tượng dọc cung đường eo núi và lưng biển hòa quyện vào nhau, hào sảng và trữ tình của miền đất võ Bình Định.
NGUYỄN THANH MỪNG