Hiệu quả từ các mô hình tự quản
Tại Hội thảo “Xây dựng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, huy động nguồn lực nhân dân tham gia phát triển KT-XH” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức ngày 30.9, vai trò chủ thể của nhân dân được nhấn mạnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 300 mô hình tự quản ở khu dân cư đang hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực kinh tế, ANTT, bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, phòng chống dịch Covid-19…
Các mô hình tự quản được phân loại thành 2 dạng: Hoạt động tự quản của thôn, khu phố được chính quyền công nhận hướng dẫn và tổ chức hoạt động; Hoạt động tự quản theo các tổ nhóm, liên gia, cụm dân cư xuất phát từ các cuộc vận động, phong trào thi đua trên địa bàn khu dân cư.
Nhiều mô hình hiệu quả
Các mô hình tự quản ở khu dân cư đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần giữ vững tình hình ANTT và phát triển KT-XH ở địa phương; thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Mô hình “Tuyến đường văn minh, xanh, sạch, đẹp” với trụ điện nở hoa, tranh vẽ tuyên truyền về bảo vệ môi trường đã được xây dựng tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Quy Nhơn.
- Trong ảnh: “Tuyến đường văn minh, xanh, sạch, đẹp” tại xã Phước Mỹ. Ảnh: N.M
Khu phố 9 (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường chọn làm điểm xây dựng mô hình “Tuyến đường văn minh, xanh, sạch, đẹp”. Ban điều hành khu phố tổ chức họp và phân công cụ thể từng thành viên, thường xuyên tuyên truyền trong hội, đoàn viên và nhân dân về giữ gìn môi trường, nếp sống văn minh đô thị. Hội đoàn viên, nhân dân thường xuyên tham gia bóc xóa quảng cáo, rao vặt, dọn vệ sinh đường liên khu phố. Người dân cũng đóng góp kinh phí để xây dựng tuyến đường cờ Tổ quốc với số tiền hơn 15 triệu đồng, hình thành đường hoa dịp tết Nguyên đán với hơn 10 triệu đồng/lần, lắp camera an ninh với số tiền đóng góp hơn 36 triệu đồng.
Được xây dựng từ năm 2014, mô hình “Họ đạo Đông Định (Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) không vi phạm pháp luật” đã góp phần ổn định ANTT tại địa bàn khu dân cư. Ông Võ Hoàng Minh, Trưởng ban Họ đạo Đông Định thông tin: “Trước khi xây dựng mô hình, trên địa bàn của họ đạo có 4 đối tượng có tiền án tiền sự. Đến nay, họ đạo không có trường hợp nào vi phạm pháp luật. 100% gia đình trong họ đạo đều được công nhận gia đình văn hóa. Số con em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng theo từng năm. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”.
Xuất phát từ nhu cầu giúp nhau về vốn để phát triển kinh tế, năm 2016, mô hình tự quản về “Huy động tín dụng tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế” đã được Chi hội Phụ nữ khu phố Tân Hòa (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) triển khai. Từ 4 tổ ban đầu với 84 thành viên, đến nay, mô hình đã phát triển lên 5 tổ với 104 thành viên tham gia.
Bà Phạm Thị Xuân Thương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Tân Hòa, cho biết: “Mô hình hoạt động theo phương thức tự nguyện, tự quản. Tất cả các tổ tiết kiệm đều có sổ ghi chép, đảm bảo công khai, minh bạch. Các chị em trong 5 tổ tự nguyện tham gia góp vốn với mức tiết kiệm hiện nay là 200 nghìn đồng/người/tháng. Tổng số tiền tiết kiệm của 5 tổ đạt 755 triệu đồng, giúp hội viên được mượn vốn không lấy lãi để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống gia đình”.
Tạo sự gắn kết trong cộng đồng
Đúc kết về những kinh nghiệm trong phát huy mô hình tự quản ở khu dân cư, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng: “Việc xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản ở khu dân cư phải phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân nơi cư trú; góp phần củng cố và tăng cường, tạo sự gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm. Mỗi mô hình cần hình thành từ các phong trào thi đua; thể hiện rõ vai trò của từng tổ chức trong phối hợp thực hiện và quản lý địa bàn dân cư hiệu quả”.
Mô hình “Tuyến đường văn minh, xanh, sạch, đẹp” tại khu phố 9, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn. Ảnh: MTTQ phường Ngô Mây
Bàn về vai trò, tầm quan trọng của hương ước, quy ước trong tự quản tại cộng đồng, khu dân cư, bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, nhấn mạnh: Cần phải phát huy tối đa vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng hương ước, quy ước; từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với xây dựng hương ước, quy ước nhưng tránh “hành chính hóa” quá trình soạn thảo và thực hiện hương ước. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư về nguồn lực, vận dụng nguồn lực từ các phong trào thi đua, cơ sở vật chất có sẵn ở khu dân cư để phục vụ cho tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, đề xuất: “Cần có hướng dẫn chung trong xây dựng mô hình tự quản ở khu dân cư nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa; đồng thời, hạn chế trường hợp lợi dụng một số mô hình gây ảnh hưởng đến ANTT. Về địa phương, chúng tôi sẽ quan tâm đối với công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương kịp thời những mô hình tự quản hiệu quả, có phương án nhân rộng phù hợp trên địa bàn”.
NGUYỄN MUỘI