47 ngày đêm làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa
Ngay từ những ngày đầu khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng biển Việt Nam thì thượng úy Cao Điền Phòng (28 tuổi, ở thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn), cảnh sát viên Phòng Pháp luật thuộc Cảnh sát biển Vùng 2 Việt Nam (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) cùng các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam đã có mặt kịp thời để thực thi nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền. PV Báo Bình Định may mắn được trò chuyện cùng anh trong đợt anh về phép mới đây.
Lần đầu tiên đi biển
Cuối năm 2011, chiến sĩ Cao Điền Phòng tốt nghiệp Trường ĐH Cảnh sát nhân dân (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), được biên chế về làm nhiệm vụ ở Cảnh sát biển Vùng 2 (đóng ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Nhiệm vụ của anh là theo các tàu cảnh sát biển đi kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; giữ gìn ANTT, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trên các vùng biển được phân công.
● Là dân xứ biển, khi về làm nhiệm vụ ở đơn vị cảnh sát biển chắc anh không gặp khó khăn mấy?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng biển, nhà tôi cũng có tàu cá cỡ nhỏ do ba tôi đi đánh bắt gần bờ, nhưng thực sự từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ bước chân lên tàu ra biển khơi (cười). Do vậy, khi về làm nhiệm vụ ở Cảnh sát biển Vùng 2, những ngày đầu lên tàu làm nhiệm vụ, tôi bị say sóng mấy ngày liền, sau đó mới dần quen.
Đó là vào tháng 2.2012, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ lên tàu cảnh sát biển đi tuần tra, kiểm soát trên biển. 4 ngày liền tôi bị nôn đến mật xanh, mật vàng, cứ ăn thứ gì vào là nôn hết ra ngoài. Đến ngày thứ 5 thì tôi bắt nhịp dần và đợt làm nhiệm vụ này kéo dài 10 ngày mới vào bờ.
● Và sau đó?
- Sau lần đi làm nhiệm vụ đầu tiên trên biển đó, tôi thực sự đã chiến thắng được chính bản thân mình, không còn lo lắng như trước, tâm trạng rất bình thường. Có nhiều chuyến, chúng tôi đi cả tháng mới vào bờ. Đáng nhớ nhất là tháng 2.2013, chuyến đi làm nhiệm vụ và thăm các đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam kéo dài 2 tháng rưỡi, tôi nhanh chóng thích nghi với cuộc sống dài ngày trên biển.
Tỉnh táo, linh hoạt đối phó, quyết tâm bảo vệ chủ quyền
Ngày 1.5.2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thời điểm này là cuối tuần, thượng úy Cao Điền Phòng đang về nhà dự đám giỗ bà nội thì nhận lệnh khẩn cấp trở lại đơn vị để đi làm nhiệm vụ.
● Đang là ngày nghỉ, nhận lệnh đi làm nhiệm vụ gấp như thế, anh có bất ngờ không?
- Cảnh sát biển chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở mọi tình huống. Nhưng nhận lệnh đi làm nhiệm vụ khẩn cấp như thế thì gia đình cũng có phần lo lắng. Tôi chỉ kịp động viên gia đình vài câu rồi trở lại đơn vị ngay. Thật sự lúc nhận lệnh, tôi cũng chưa biết là ra Hoàng Sa. Đúng ngày 3.5, tôi có mặt trên tàu CSB 2012 ra biển làm nhiệm vụ, lúc này anh em mới được cấp trên thông báo là ra đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc kéo vào hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam trước đó.
● Được biết, tàu CSB 2012 vừa ra đến thực địa làm nhiệm vụ thì bị tàu Trung Quốc vây ép, đâm phải. Anh và đồng đội trên tàu đã xử trí tình huống này như thế nào?
- Sau khi rời đất liền, đến sáng ngày 4.5, tàu CSB 2012 có mặt tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981 thì giáp mặt ngay với hàng chục tàu Trung Quốc các loại. Lúc 8 giờ 30 phút, tàu hải cảnh 44103 của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB 2012. Tàu CSB 2012 đã tăng tốc vòng tránh nên chỉ bị đâm trúng đuôi tàu mạn phải, diện tích vết đâm khoảng 1m2. Một số trang thiết bị khác trên tàu cũng bị hư hỏng. Trước đó, anh em trên tàu CSB 2012 không ai nghĩ rằng phía Trung Quốc lại hung hăng, mạnh động như thế.
● Các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam đã ứng phó như thế nào khi mức độ phức tạp, nguy hiểm của nhiệm vụ ngày càng gia tăng?
- Những ngày sau đó, khi tàu CSB 2012 cùng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tiến sâu vào khu vực giàn khoan Hải Dương - 981 để làm nhiệm vụ thì lại đối mặt với nhiều tàu Trung Quốc luôn cố tình gây hấn bằng cách phun vồi rồng, đâm va. Mức độ, các hành vi xâm phạm của Trung Quốc ngày một căng thẳng, leo thang, nhưng chúng tôi vẫn hết sức kiềm chế, giữ vững bản lĩnh, vừa tỉnh táo, linh hoạt đối phó, vừa thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có những lúc Trung Quốc cố tình sử dụng những tàu nhỏ chắn trước mũi tàu Cảnh sát biển Việt Nam, khiêu khích để cho ta đâm vào, nhưng ta vẫn kiên quyết, kiên trì chấp hành đúng mệnh lệnh của cấp trên, không mắc mưu để phía Trung Quốc có cớ nói mình chủ động đâm tàu của họ.
Mặc dù tàu bị đâm nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tàu CSB 2012 đã khắc phục tạm thời để tiếp tục bám biển làm nhiệm vụ. Đến ngày 8.5, chúng tôi được lệnh đưa tàu vào Đà Nẵng sửa chữa khẩn trương và ngày 10.5 lại tiếp tục ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ.
Tự hào là cảnh sát biển Việt Nam
Tàu CSB 2012 làm nhiệm vụ từ ngày 3.5 đến ngày 18.6 mới vào bờ, sau đó thượng úy Cao Điền Phòng được cấp trên cho về phép thăm nhà. Dù chưa hết phép nhưng anh lại nhận lệnh có mặt tại đơn vị trong ngày 13.7 để tiếp tục ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ.
● Trong những ngày qua, cả nước đều hướng về Hoàng Sa với quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trước khi ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ đợt 2, anh có điều gì nhắn nhủ với mọi người?
- Trong thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi rất cảm động, tự hào và yên tâm thực hiện nhiệm vụ ở phía trước khi có hậu phương vững chắc là sự ủng hộ to lớn của gia đình, của đồng bào cả nước và cộng đồng quốc tế. Chúng tôi khẳng định: Không bao giờ nao núng tinh thần và sẵn sàng bảo vệ cho đến cùng vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi hứa sẽ xứng đáng là những người cảnh sát biển Việt Nam, xứng đáng với nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng được giao là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, và sẽ buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
● Xin cảm ơn anh, chúc anh và đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi tự hào vì có con làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa
Ông Cao Thanh Bường (62 tuổi) và bà Điền Thị Kim Liên (62 tuổi), cha và mẹ của thượng úy Cao Điền Phòng, tự hào: “Nhà chỉ có hai con, chị gái của Phòng đang là giáo viên đã có gia đình riêng, Phòng là con trai duy nhất. Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, ngày nào chúng tôi cũng ngóng tin tức con đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, vì biết con phải luôn đối mặt với những hiểm nguy. Lo lắng là vậy, nhưng lúc nào chúng tôi cũng hãnh diện, tự hào và cố gắng làm tròn công tác hậu phương, tiếp thêm sức mạnh để con kiên cường nơi đầu sóng, giữ vững chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”.
NGUYỄN PHÚC (Thực hiện)
Chúc Bạn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Chúc Thượng Úy Phòng hoàn thành nhiệm vụ!
Cố lên bạn ơi, mình tự hào vì bạn hướng nghề theo nguyện vọng của người cha và làm bố mẹ mình tự hào. Chúc mừng mừng cô chú. Khi nào có điều kiện con sẽ về thăm gia đình hihi