Hợp tác xã nông nghiệp Ân Tín: “Ðiểm sáng” phát triển kinh tế tập thể
Nhờ đa dạng loại hình dịch vụ, sản xuất kinh doanh tốt, HTXNN Ân Tín (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) tạo nhiều việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho xã viên, trở thành “điểm sáng” phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
Dịch vụ sản xuất gạch ngói của HTXNN Ân Tín tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương. Ảnh: M.N
HTXNN Ân Tín đang thực hiện 8 dịch vụ, chia thành 2 nhóm. Trong đó, nhóm dịch vụ mang tính phục vụ thành viên, giúp kinh tế hộ phát triển, gồm: Thủy lợi - thủy nông nội đồng; liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống; vật tư nông nghiệp; sản xuất gạo hữu cơ; thu gom rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng. Nhóm dịch vụ sản xuất kinh doanh duy trì phát triển HTX, gồm: Quản lý điện nông thôn; xăng dầu; sản xuất gạch ngói bằng công nghệ Hoffman.
Ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTXNN Ân Tín, chia sẻ: Thực hiện nhiều hoạt động dịch vụ mang tính thương mại vừa tạo ra nhiều việc làm ổn định quanh năm, vừa sử dụng và phát huy đồng vốn hiệu quả. Hơn nữa khi đa dạng, các dịch vụ sẽ bù đắp cho nhau, hạn chế rủi ro, giúp hoạt động của HTX vững vàng hơn. Năm 2021, tổng doanh thu của HTX hơn 23,8 tỷ đồng, tăng hơn 24,25% so với năm 2020.
Trong số các dịch vụ HTXNN Ân Tín thực hiện, đáng chú ý có dịch vụ sản xuất và tiêu thụ gạo theo hướng hữu cơ tại cánh đồng Soi Đập (thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín) với diện tích 5,5 ha/năm; năng suất bình quân 36 - 40 tạ/ha. Gạo hữu cơ sản xuất đúng quy trình, tiêu chuẩn; được Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC cấp giấy chứng nhận, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Trần Văn Long - thành viên HTXNN Ân Tín, tham gia sản xuất gạo hữu cơ - cho biết: Khi canh tác, sản xuất gạo hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải thông qua việc giảm sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, phân bón vô cơ và điều tiết nước hợp lý. Hơn nữa, gạo hữu cơ có giá cao hơn gạo thông thường khá nhiều, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Ở hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống tạo chuỗi bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra và nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân, HTXNN Ân Tín đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích hằng năm trên 70 ha ở thôn Năng An và thôn Vạn Hội 1; năng suất đạt bình quân 74 tạ/ha. Riêng dịch vụ quản lý điện nông thôn và xăng dầu là nguồn thu lớn cho HTX; năm 2021, tổng doanh thu của 2 dịch vụ hơn 19 tỷ đồng/năm.
“Chúng tôi dựa trên nguyên tắc thành viên HTX vừa là chủ, vừa là khách hàng; cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của mình, hướng tới mục đích chung là nâng cao thu nhập, ổn định đời sống thành viên. Đồng thời, tăng tích lũy, mở rộng quy mô phát triển HTX ngày càng bền vững. Tuy nhiên, hiện chúng tôi có trở ngại đó là trụ sở HTX đã cũ và ở vị trí không thuận tiện cho việc giao dịch. Rất mong chính quyền địa phương quan tâm, xem xét bố trí đất và hỗ trợ kinh phí để xây dựng trụ sở mới”, ông Bùi Long Xuân cho hay.
MINH NHÂN