Bệnh do Adenovirus: Có thể tự khỏi nhưng không được chủ quan
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến giữa tháng 9.2022, cả nước phát hiện hơn 400 trường hợp mắc bệnh do vi rút Adeno gây ra, trong đó hơn 300 trường hợp có chỉ định nhập viện, đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong; số ca mắc có xu hướng tăng từ tháng 8.2022 đến nay. Khoa Nhi, BVÐK tỉnh đã ghi nhận một số trường hợp nhập viện do vi rút Adeno gây ra các bệnh về đường hô hấp.
Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh), hiện thời tiết chuyển mùa, lúc mưa lúc nắng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển, đặc biệt là các dòng vi rút gây viêm đường hô hấp như: Adenovirus, vi rút cúm... Do vậy, bệnh lý về hô hấp, như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản cấp... tăng cao. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận một số bệnh nhân bị hen nhập viện.
Trẻ bị viêm phổi do Adenovirus đang điều trị tại BVĐK tỉnh. Ảnh: Đ. THẢO
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do Adenovirus gây ra. Dù vậy, đối với những trường hợp nhiễm vi rút thể nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đặc tính của loại vi rút này là có thể tồn tại tới 30 ngày với nhiệt độ trong phòng, có thể sống nhiều tháng ở điều kiện 40oC. Vi rút có thể nhân lên sau 30 giờ xâm nhập vào cơ thể người. Do vậy, bệnh rất dễ lây lan nếu không phát hiện, theo dõi kịp thời, vi rút Adeno có thể gây nguy hiểm.
Nói về mức độ nguy hiểm của Adenovirus, bác sĩ Phạm Văn Dũng, chia sẻ: Theo báo cáo ở nhiều nước trên thế giới thì một số chủng Adenovirus gây viêm gan bí ẩn, còn ở Việt Nam chủ yếu là Adeno gây viêm phổi, viêm đường hô hấp là chính. Một số ca tử vong như thông tin vừa rồi là do Adenovirus gây viêm phổi nặng, kéo dài, rất dễ suy hô hấp, co thắt phế quản, tăng tiết dịch đàm nhiều dẫn đến tắc nghẽn. Nguy hiểm nhất là Adeno gây suy hô hấp. Adenovirus gây bệnh kéo dài, có thể để lại di chứng về tổn thương phổi. Còn các vi rút khác thì nhẹ hơn một chút. Triệu chứng bệnh do Adenovirus gây ra là những triệu chứng phổ biến của viêm đường hô hấp như: Sốt, ho, sổ mũi, khò khè, khó thở... chụp phim sẽ thấy có tổn thương phổi. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ.
Tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh cũng ghi nhận một số trường hợp viêm phổi do Adenovirus. Có con bị viêm phổi do Adenovirus đang điều trị tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, chị L.T.H.L, ở TP Quy Nhơn, chia sẻ: Bé được 26 tuần tuổi, ở nhà bé bị khò khè. Vào viện, bác sĩ bảo bé bị viêm phổi nên phải nhập viện theo dõi. Hiện bé nằm viện đã 5 ngày, cũng dần đỡ nhưng vẫn còn khò khè. Tôi cũng biết mùa này trẻ em hay mắc bệnh nên rất chú ý, thấy biểu hiện con lạ lạ tôi đưa đi viện ngay.
Để phòng bệnh do Adenovirus gây ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo người chăm sóc trẻ nên rửa tay và tập cho trẻ rửa tay thường xuyên, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Các phụ huynh cần đảm bảo cho trẻ ăn, uống hợp vệ sinh; thường xuyên vệ sinh các vật dụng trong gia đình. Cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là thời điểm giao mùa. Không cho trẻ đến những nơi công cộng khi đang xảy ra dịch bệnh, nếu đi cần đeo khẩu trang. Cách thức lây nhiễm của Adenovirus là giọt bắn đường hô hấp khi tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp; ngoài ra tiếp xúc với vật dụng của người mắc bệnh cũng dễ lây nhiễm. Cha mẹ nên cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ đúng theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường về hô hấp, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra và theo dõi.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, không chỉ ở trẻ em, Adenovirus gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính. Dù vậy, loại vi rút này có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím hoặc nước sôi 100oC.
ĐỖ THẢO