Chiêu lừa cũ, nạn nhân mới
Thời gian qua, lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, đánh vào lòng tham của một bộ phận người dân, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Tây Sơn đã xảy ra 4 trường hợp bị lừa đảo qua mạng xã hội, thiệt hại gần 850 triệu đồng.
Mới nhất, ngày 10.8, CA huyện Tây Sơn nhận được đơn tố giác của chị L.T.M.T (ở xã Tây An), là nạn nhân của chiêu lừa quá cũ kỹ. Đó là bạn trai người nước ngoài gửi quà có giá trị, bị hải quan giữ lại, thông báo phải nộp các khoản phí phát sinh. Bị các đối tượng lừa đảo dẫn dắt và đe dọa, chị T. đã chuyển cho các đối tượng này 140 triệu đồng.
CA cảnh báo người dân cần cảnh giác với thủ đoạn giả danh CA gọi điện thoại lừa đảo. Ảnh minh họa của TNO
Trước đó, ngày 3.6, CA huyện Tây Sơn tiếp nhận đơn tố giác của anh N.N.Đ. (ở xã Bình Thuận) về việc ngày 1.6 anh bị một nhóm đối tượng giả danh là CA gọi điện, báo anh Đ. vi phạm pháp luật vì mua sắm các trang thiết bị y tế không thanh toán, liên quan đến chuyên án đang được CA thụ lý điều tra. Đồng thời, hướng dẫn anh Đ. làm theo yêu cầu của chúng. Quá hoảng sợ, anh Đ. đã nộp 300 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng này.
Ngày 13.5, chị T.T.T.N. (ở thị trấn Phú Phong) bị một nhóm đối tượng gọi điện đề nghị hợp tác làm cộng tác viên xử lý đơn hàng trên sàn thương mại điện tử. Sau khi chị N. đồng ý hợp tác, các đối tượng lừa đảo đã kết bạn zalo và hướng dẫn chị N. cài đặt ứng dụng để làm việc. Ban đầu, hoa hồng được trả qua tài khoản cá nhân đúng hẹn. Thấy công việc nhẹ nhàng và được trả hoa hồng cao, liên tục các ngày sau đó chị N. đã chuyển khoản 451 triệu đồng. Các đối tượng lừa đảo tiếp tục gọi điện hứa hẹn, dụ dỗ đóng thêm tiền, lúc này chị N mới biết mình đã bị lừa và trình báo CA.
Vụ việc cũ nhất là ngày 12.3, anh Đ.A.T. (ở huyện Tuy Phước) đứng ra mua sắt thép cho dì ruột là bà Đ.T.H. (ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn). Anh T. mua của Công ty TNHH TM&DV xuất nhập khẩu Thép Việt, có địa chỉ chi nhánh giả mạo tại Khu kinh tế Nhơn Hội, bằng hình thức đặt hàng trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo đề nghị đặt cọc 70% giá trị hợp đồng; sau đó anh T. và bà H. đã chuyển 55,3 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày hẹn 18.3, anh T. và bà H. không nhận được hàng, số điện thoại và tài khoản zalo của công ty đều bị khóa.
Các vụ việc trên đang được CA huyện Tây Sơn tập trung xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. CA huyện Tây Sơn đề nghị người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, nếu phát hiện các hành vi nghi ngờ lừa đảo, hãy tích cực phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp xử lý.
TÍN TRỌNG