Giữ ổn định tỷ giá VND/USD: Giải pháp hỗ trợ xuất khẩu
Việc đồng USD tăng giá mạnh đem lại cơ hội cho hơn 70% các hợp đồng xuất khẩu được ký kết thanh toán bằng đồng USD, nên cần phải giữ ổn định được tỷ giá.
Hoạt động xuất khẩu 9 tháng năm nay vẫn tăng trưởng “2 con số” - với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 282,52 tỷ USD (tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước), cán cân thương mại xuất siêu hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD. Nhiều dự báo cho thấy, khả năng xuất khẩu năm nay sẽ đạt khoảng 370 tỷ USD và tiếp tục có xuất siêu. Tuy nhiên, dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.
Thách thức đầu tiên là hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu áp lực không thuận từ các yếu tố bên ngoài, như lạm phát cao kỷ lục ở nhiều các quốc gia và sự phục hồi kinh tế chậm của nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việc thắt chặt chi tiêu của các nước này kéo theo nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu bị giảm. Đã có tình trạng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh ở nhiều DN dệt may, da giày, đồ gỗ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu… những tháng gần đây và dự báo khó khăn về thiếu đơn hàng có thể còn kéo dài đến hết quý II năm sau.
Đơn hàng giảm những tháng cuối năm gây khó khăn cho nhiều DN.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, để đạt được mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022, các DN, ngành hàng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, trong đó cần quan tâm đến các thị trường mới, nhất là những thị trường có tiêu chuẩn cao trong khối Liên minh châu Âu (EU); trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương… để có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực,
“Các DN cần phải phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ khả năng thị trường nào có sức mua. Xuất khẩu vẫn có cơ hội, nhưng không còn cơ hội truyền thống mà là những cơ hội mới cần được phát hiện và xác định rõ. Khi có cơ hội cần tận dụng ngay không chậm trễ bởi các nước khác cũng đang rất nhanh tay. Hiện nay, cơ hội mở rộng đầu tư hợp tác với Ấn Độ là cơ hội có thực…”, TS. Lê Đăng Doanh khuyến cáo.
Doanh nghiệp thiếu lao động sau đại dịch cũng là một thách thức lớn được ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ ra trong bối cảnh nhiều ngành hàng cần tăng tốc đẩy mạnh sản xuất trong quý cuối năm này.
“Nhiều DN cũng rất khó khăn trong việc tuyển dụng cũng như là mời công nhân trở lại làm việc. Việc duy trì nguồn nhân lực trong bối cảnh xuất khẩu gia tăng như trong thời gian vừa qua vẫn là 1 thách thức đối với các DN”, ông Hải cho hay.
Tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chống; các hàng rào kỹ thuật các biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường xuất khẩu cũng đang áp lực thực tế với nhiều sản phẩm hàng hoá, trong đó có mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Theo TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bên cạnh sự chủ động, nỗ lực từ phía DN, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành hàng.
“Một số thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu và Mỹ họ đưa ra những hàng rào kỹ thuật khắt khe, các DN khó có thể thích ứng ngay được. Trong những trường hợp này, các DN cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ giúp tìm hiểu thị trường, thỏa thuận và đàm phán với các nước đối tác để có được những hỗ trợ tốt nhất cho DN trong nước…”, TS. Nguyễn Minh Thảo đề cập.
Cùng với khó khăn về nguồn vốn, áp lực lãi vay tăng cao, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ lỗ lớn do áp lực tỷ giá. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc nhiều ngoại tệ mất giá cũng sẽ tác động trực tiếp lên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, xét trong tổng thể nền kinh tế, việc đồng USD tăng giá mạnh đem lại cơ hội cho xuất khẩu, bởi có tới hơn 70% các hợp đồng xuất khẩu của DN được ký kết thanh toán bằng đồng USD. Giải pháp để hỗ trợ cho DN và nền kinh tế lúc này chính là phải giữ ổn định được tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD.
“Nếu giữ ổn định được đồng Việt Nam so với USD có nghĩa là đã giữ được ổn định được hơn 70% các hợp đồng xuất nhập khẩu. Trong tổng số gần 30% hợp đồng xuất khẩu bằng các đồng tiền khác đã có hơn 1/2 liên quan đến nhập khẩu về Việt Nam, như Trung Quốc và ngay cả EU lại là những thị trường Việt Nam nhập khẩu tương đối lớn”, ông Thịnh chỉ ra.
Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực từ phía DN, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành hàng nhằm đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu cũng chỉ ra những thách thức khác liên quan đến dịch bệnh, việc gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư. Cùng với đó là việc giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, giá cước vận tải… vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung trong đó có hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với đó, những thách thức từ các biện pháp phòng vệ thương mại của các quốc gia áp đặt cho hàng hoá xuất khẩu, trong đó có các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; kể cả những nguy cơ rủi ro đến từ việc lừa đảo… đòi hỏi các DN phải chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin để lường trước và có phương án ứng phó kịp thời.
Theo Nguyên Long (VOV1)