Chùa Nhạn Sơn qua di sản Mộc bản triều Nguyễn
Chùa Nhạn Sơn còn được gọi là chùa Ông Đá, ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn, cách TP Quy Nhơn hơn 20 km. Ngôi chùa này nằm nép mình dưới bóng xoài xanh mát. Đây là ngôi chùa có giá trị lớn về lịch sử và nghệ thuật, là sự giao thoa giữa văn hóa Chăm - Việt. Đặc biệt, di sản Mộc bản triều Nguyễn có ghi chép khá đậm về chùa Nhạn Sơn.
Về chùa Nhạn Sơn, mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 27 và 28 có ghi: “Chùa Nhạn Sơn: Ở thôn Nhạn Tháp, huyện Tuy Viễn, về phía Nam thành Chà Bàn, tục gọi là chùa Ông Đá. Trong chùa có hai tượng đá, đứng hai bên nhìn nhau trên viên đá vàng, mình cao hơn 6 thước, lưng rộng hơn 5 thước, một pho sơn son, một pho sơn đen, thầy chùa chế áo xiêm, mũ đai bằng vải vẽ hình rồng mây mặc vào, trông như hình người còn sống. Tương truyền tượng ấy là tượng Phật của người Chiêm Thành...”.
Ban đầu, chùa Nhạn Sơn còn có tên gọi là Thạch Công tự (chùa Ông Đá). Tuy nhiên, do ý nghĩa phía sau của hai pho tượng này nên người dân nơi đây đã đổi gọi chùa là Song Nghĩa tự (chùa thờ hai anh em kết nghĩa). Đến thế kỷ XVI, hòa thượng Thích Chí Mẫn chỉnh trang lại chùa và đặt tên là chùa Nhạn Sơn.
Chùa Nhạn Sơn. Ảnh: phatgiao.org.vn
Về hai bức tượng còn lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, cho đến nay vẫn còn nhiều giai thoại hấp dẫn xung quanh. Hai pho tượng này được tạc bằng đá khối liền nhau, mỗi tượng cao gần 3 m, nặng cả tấn, được đặt trong chính điện chùa Nhạn Sơn. Hai pho tượng đứng đối diện nhau, mình khoác áo đại bào, đầu đội mũ vũ đằng, tay cầm vũ khí (một tượng cầm giản, một tượng cầm kiếm), mặt mày dữ tợn.
Dân gian Bình Định kể rằng, tượng sơn màu đỏ là quan văn Huỳnh Tấn Công và tượng sơn màu đen là quan võ Lý Xuân Điền. Ở tuổi thanh niên, khi trên đường lai kinh ứng thí, hai ông đã vô tình gặp nhau và nhanh chóng trở thành anh em kết nghĩa thân thiết. Sau khi đỗ đạt làm quan Đại Việt, Huỳnh Tấn Công trở thành quan văn, còn Lý Xuân Điền là quan võ. Lúc bấy giờ, nước láng giềng Chiêm Thành lâm vào nguy biến, vì bị quân Xiêm La (Thái Lan) âm mưu tấn công; hai ông Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền nổi tiếng văn thao võ lược, lại có mối giao tình với vua Chiêm Thành nên được vua Chiêm xin vua Đại Việt cho hai ông vào cầm quân dẹp giặc. Sau chiến thắng, hai người trở về nước Việt, vua Chiêm Thành cũng ghi lòng tạc dạ công ơn nên cho làm hai pho tượng để phụng thờ.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 27, 28 ghi chép chùa Nhạn Sơn, tỉnh Bình Định. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Tương truyền dân gian là thế nhưng về hai bức tượng này, mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 28 lại giải thích rằng: “Hai tượng đó còn gọi là tượng phật Thích Ca và tượng phật Lạc Đa. Cũng có khi gọi là tượng ông Thiện và tượng ông Ác”. Cách giải thích này ngược lại với truyền thuyết dân gian và xác tín nguồn gốc Champa của tượng.
Nhưng thật chính xác thì đây là hai tượng Dvarapalla (Môn Thần) với ý nghĩa người bảo vệ cho đạo pháp theo văn hóa Champa. Đường nét điêu khắc hai tượng mang phong cách điển hình của nghệ thuật điêu khắc Champa thế kỷ XII - XIII. Trong cuộc bể dâu hàng trăm năm, người Việt di cư xuống phương Nam, cộng cư với người Chăm và hai pho tượng kia từ chỗ là tác phẩm của nghệ thuật điêu khắc Champa đã được Việt hóa bằng giai thoại về anh em kết nghĩa Huỳnh Tấn Công - Lý Xuân Điền, thành Ông Đỏ, Ông Đen và được thờ cúng như các vị Phật, Bồ tát của Phật giáo Việt. Cách thức chuyển hóa kia được giải thích là quá trình tiếp biến văn hóa Chăm - Việt, là cách thức mà người Việt hài hòa đời sống tâm hồn, tín ngưỡng, tâm linh của mình với cộng đồng địa phương.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận hai bức tượng hộ pháp ở chùa Nhạn Sơn, tỉnh Bình Định là bảo vật quốc gia; đây là niềm vui cũng như niềm vinh dự của người dân quê hương đất Võ.
CAO THỊ QUANG