Xác định nguyên nhân ảnh hưởng chất lượng công trình sử dụng gạch không nung
(BĐ) - Sáng 4.10, Sở Xây dựng và Hội Xây dựng tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo Giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng công tác thiết kế, thi công xây dựng công trình có sử dụng gạch không nung (gạch xi măng cốt liệu) trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo đã nêu lên thực trạng, quy mô công suất về sản xuất, sử dụng gạch không nung; những hạn chế và giải pháp cho thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu xây dựng này.
Quang cảnh hội thảo.
Chương trình phát triển vật liệu không nung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010. Năm 2014, Bình Định có Chỉ thị 02/2014/CT-UBND tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Tỉnh xác định các công trình xây dựng đầu tư vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, đến năm 2025 tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây áp dụng cho công trình tại các đô thị từ loại III trở lên tối thiểu 70% và các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%, đạt 100% đến năm 2030; công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên sử dụng tối thiểu 80% vào năm 2025 và đạt tối thiểu 90% đến năm 2030.
Ông Trần Đình Duy, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp để hạn chế hiện tượng nứt, thấm tường xây gạch không nung.
Đến nay, tỷ lệ công trình sử dụng gạch không nung, nhất là công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước tăng dần; tổng công suất tiêu thụ của các nhà máy sản xuất gạch không nung đạt khoảng 35% so với công suất thiết kế.
Tuy nhiên, quá trình sử dụng gạch không nung trong công trình xây dựng còn nhiều bất cập, hạn chế, đáng chú ý là tình trạng khối xây sử dụng gạch không nung thường bị nứt, thấm, độ chắc của tường không cao, ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi và sử dụng gạch không nung vào công trình, nhất là các công trình có vốn đầu tư ngoài nhà nước. Trên cơ sở nghiên cứu, Sở Xây dựng xác định tình trạng này xuất phát từ 3 nhóm nguyên nhân: Vật liệu (gạch, vữa); giải pháp thiết kế; kỹ thuật thi công. Qua đó, đề xuất các giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng gạch trước khi đưa vào công trình và các giải pháp liên quan đến thiết kế, kỹ thuật thi công… Đồng thời, phối hợp Trường ĐH Quy Nhơn sử dụng phần mềm Abaqus để mô phỏng, kiểm chứng tính hiệu quả của các giải pháp đề xuất.
Đại biểu tìm hiểu một số sản phẩm gạch không nung.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của đơn vị sản xuất, thiết kế, nhà thầu xây dựng cũng phân tích cho thấy tình trạng chưa đồng bộ về chính sách lẫn các giải pháp thiết kế, kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng. Các DN kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng đơn giá, định mức giá phù hợp với kích thước của gạch không nung; tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm và tìm giải pháp khắc phục các hạn chế ảnh hưởng đến công trình có sử dụng gạch không nung. Với các đơn vị sản xuất, kiến nghị đưa ra chính là tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm gạch không nung; đồng nhất khuôn mẫu để đảm bảo định mức đơn giá cho công trình xây dựng theo quy định…
MAI HOÀNG